10 NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC THEN CHỐT CỦA NĂM 2023

20/Jul/2024
Xu hướng giáo dục quốc tế

Nếu bạn đang mong chờ có một năm yên bình, bình thường trở lại thì những nghiên cứu được công bố của năm 2023 có thể sẽ khiến bạn thất vọng. 

Các nghiên cứu nói lên cơ hội và thách thức của tương lai giáo dục

Các vấn đề sức khỏe tâm thần ở độ tuổi thanh thiếu niên gia tăng mạnh mẽ đã thúc giục các nhà nghiên cứu phải nhanh chóng tìm ra đáp án. Sự xuất hiện đột ngột của trí tuệ nhân tạo (AI) đã đặt ra mối đe dọa mới đối với các quy tắc đạo đức học thuật và khiến một số nhà giáo đưa ra dự đoán về dấu chấm hết của công việc dạy học (và chúng tôi ở đây để xóa tan lầm tưởng về câu chuyện đó).

Tuy nhiên, cũng có nhiều phát hiện hấp dẫn đã được tìm thấy. Các nhà thần kinh học tiếp tục đẩy mạnh việc lập bản đồ não người, sử dụng công nghệ tiên tiến để có cái nhìn tổng quan về “sự tương quan trong não bộ” giữa học sinh và giáo viên khi học về các chủ đề phức tạp. Theo đó, một bài đánh giá toàn diện về học tập cảm xúc – xã hội (social and emotional learning) đã một lần nữa khẳng định rằng, không gì thay thế được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Tổng hợp 10 nghiên cứu giáo dục then chốt trong năm 2023

Cuối cùng, chúng tôi đã thẩm định kĩ lưỡng và tìm ra các chiến lược giảng dạy hiệu quả cho lớp học giúp tạo nên sự khác biệt lớn cho học sinh, từ việc sử dụng sách có hình ảnh để dạy toán cho đến việc lồng ghép kiểm tra vào các trò chơi kiến thức.

1. TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) CÓ THỂ GIÚP GIÁO VIÊN TIẾT KIỆM THỜI GIAN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIẢNG DẠY MỘT CÁCH ĐÁNG KỂ

Nếu ai đó vẫn còn ngờ vực về phép thử Turing thì nay đã có thêm nhiều bằng chứng bổ sung làm tăng tính xác thực của nó. Dành cho những ai chưa biết, phép thử Turing là một bài kiểm tra trí thông minh của máy tính, phép thử này đã đề xuất một ngưỡng giả định mà tại điểm đó con người và máy móc gần như không thể phân biệt được với nhau trong việc đối thoại với người kiểm tra. Nhiều thử nghiệm đã được tiến hành và cho ra kết quả mà thậm chí không thể phân biệt được ai đang kiểm tra ai.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học North Carolina đã thiết lập một mô hình AI “nơ-ron sâu (deep neural)” và cài đặt phần mềm nhận dạng thông tin quan trọng cho nó, sau đó cho nó làm việc với sách giáo khoa về giải phẫu và sinh lí học ở trình độ đại học. AI đã xem xét, đánh giá, và tạo ra 2.191 câu hỏi kiểm tra liên quan đến tiêu chuẩn học tập. Những câu hỏi này được một hội đồng giáo viên đánh giá là “có mức độ liên quan đến mục tiêu học tập tương đương với những câu hỏi do con người tạo ra”. Đáng chú ý là các giảng viên cũng cho biết họ sẽ xem xét và sử dụng những câu hỏi do máy tạo ra cho các khóa học của mình.

Việc này thật đáng quan ngại, nhưng cũng không hoàn toàn xấu vì việc soạn đề kiểm tra tiêu tốn rất nhiều thời gian của giáo viên. Một nhà giáo uyên thâm đã thử nghiệm AI và cho biết rằng nó hoạt động tốt trong các nhiệm vụ như lập kế hoạch bài giảng, viết hướng dẫn và thậm chí soạn mail cho phụ huynh. Trong khi đó, các công cụ mới chạy bằng AI như Diffit, Curipod và MagicSchool.ai bắt đầu được coi như những công cụ hỗ trợ giảng dạy mang tính cách mạng.

Tuy nhiên, vẫn là quá sớm để lo ngại liệu rằng các phần mềm sử dụng AI tiếp theo có thể thay thế con người trong việc giảng dạy hay không. Những nghiên cứu mà chúng tôi xem xét đều cho thấy rằng AI vẫn cần phải tinh chỉnh rất nhiều. Vào tháng 7 năm 2023, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng nếu không có sự can thiệp của con người, AI sẽ rất tệ trong môn toán, không thể trả lời được các câu hỏi mở và thường xuyên mắc lỗi ngay cả với các phép tính đơn giản. Kết luận là dù hữu ích thì AI vẫn cần chúng ta nhiều hơn chúng ta cần nó.

2. MỘT HƯỚNG DẪN TUYỆT VỜI ĐỂ CẢI THIỆN VIỆC THIẾT KẾ BÀI KIỂM TRA

Không ai thích kiểm tra – ngoại trừ ba tác giả của một bài nghiên cứu vào năm 2023. Bộ ba, với kinh nghiệm làm giáo viên và nhà nghiên cứu, ca ngợi gần như mọi loại bài kiểm tra, câu hỏi trắc nghiệm và trò chơi kiến thức; họ cũng khẳng định rằng những bài kiểm tra như vậy nên được cho làm thường xuyên, thiết kế đơn giản mà thú vị, thậm chí cũng có thể cho làm việc nhóm. Lí do được đưa ra là: khi được thiết kế đúng cách và không làm cho học sinh áp lực, các bài kiểm tra hay các câu hỏi trắc nghiệm đã được chứng minh sẽ giúp các em cải thiện “trí nhớ dài hạn và khả năng tạo sự liên kết thông tin, giúp dễ dàng nhớ ra các thông tin cần thiết trong tương lai.”

Nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn hấp dẫn, chi tiết về cơ chế của việc kiểm tra và tác động của nó đối với quá trình học tập. Dưới đây là một vài điểm nổi bật:

  • Đổi mới: Để tối đa hóa sự tham gia của học sinh, hãy kiểm tra thường xuyên, nhưng đừng để dạng bài trở nên nhàm chán. Trong phần phân tích, các tác giả tán thành việc đa dạng hóa các hình thức kiểm tra như trắc nghiệm, kiểm tra gợi nhớ, clickers (sử dụng bộ thiết bị trả lời trắc nghiệm), điền vào chỗ trống, trả lời ngắn, hay tổ chức các cuộc thi kiến thức.
  • Cạnh tranh: Khi thiết kế các bài kiểm tra trắc nghiệm hoặc bài kiểm tra đúng sai, hãy tạo ra các“lựa chọn cạnh tranh” trong câu trả lời. Ví dụ, khi hỏi “Hành tinh đá nóng nhất là gì?”, hãy đưa ra các đáp án ‘Sao Kim, Sao Hỏa và Sao Thủy’ thay vì ‘Sao Kim, Sao Thiên Vương và Sao Thổ’ – vì “Sao Thiên Vương và Sao Thổ không phải là hành tinh đá. Các tác giả cho rằng các lựa chọn cạnh tranh sẽ yêu cầu học sinh phải xem xét kĩ lưỡng tất cả các phương án, từ đó các em phải suy nghĩ rất cẩn thận về các kiến thức đã được học.
  • Kiểm tra trước khi học: Theo các nhà nghiên cứu, kiểm tra học sinh về các kiến thức chưa được học sẽ giúp các em ghi nhớ lâu dài hơn “ngay cả khi học sinh không thể trả lời đúng bất kì câu hỏi nào trong số đó.” Đặc biệt, việc kiểm tra trước cũng có thể giúp các em bớt suy nghĩ vẩn vơ và tập trung hơn vào bài học.
  • Làm việc theo nhóm: Cho học sinh làm bài kiểm tra theo nhóm có thể giúp các em cải thiện khả năng nhớ và có nhiều động lực làm bài hơn, đồng thời có thể giảm cảm giác lo âu. Các tác giả cũng lưu ý rằng nên ưu tiên sử dụng các câu hỏi cụ thể hơn là các câu hỏi mở, vì học sinh đôi khi có thể “nhớ lại các thông tin thiếu chính xác hơn” khi làm việc cùng nhau.
  • Truyền đạt: Dạy học sinh tự kiểm tra bằng cách “tóm tắt các ý chính của bài học mà không cần nhìn vào ghi chú,” hoặc tổ chức “các nhóm học tập nhỏ để có thể tự kiểm tra lẫn nhau – một hoạt động mà nhiều học sinh cũng áp dụng.”

3. GIỌNG NÓI CÓ THỂ THAY ĐỔI KHÔNG KHÍ LỚP HỌC

Theo một nghiên cứu được công bố vào cuối năm 2022, những thay đổi tinh tế trong giọng điệu của giáo viên – như tông giọng đột ngột cao lên hay lặp đi lặp lại một loạt các hướng dẫn vì bực tức – có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy có điều gì đó không ổn. Việc này có thể sẽ phá vỡ sự cân bằng mong manh và khiến học sinh trở nên im lặng hoặc có những hành động không đúng mực.

Các nhà nghiên cứu đã quan sát khi thanh thiếu niên và trẻ em nghe các hướng dẫn của giáo viên – ví dụ như “Thầy/Cô mong các em có thể giữ im lặng” hoặc “Đã đến lúc các em dọn đồ rồi” được truyền đạt bằng giọng điệu ấm áp, trung tính và vừa phải. Mặc dù không hề cố ý nhưng giọng điệu quyền lực của giáo viên thường bị hiểu lầm là đang gây áp lực, làm giảm sự tin tin của học sinh và khiến các em ngại tâm sự về những khó khăn của mình. Ngược lại, giọng điệu ấm áp sẽ góp phần tạo nên một môi trường lớp học thúc đẩy việc học tập trên nhiều khía cạnh xã hội và học thuật như tạo cho các em cảm giác thân thuộc, rèn luyện được tính tự chủ mà vẫn có niềm vui trong lớp học.

Cô Kristine Napper – một giáo viên trung học giàu kinh nghiệm chia sẻ rằng cô đã phải mất khá nhiều năm để tìm được tông giọng phù hợp. Cô nói, “không thể chỉ dựa vào kỳ vọng cao hay tấm lòng nhân ái để có thể giảng dạy một cách hiệu quả.” Thay vào đó, giáo viên nên cố gắng duy trì giọng nói ấm áp, mang lại cảm giác thấu hiểu, cảm thông và tận dụng “nguồn tin cậy đó để mong đợi sự tham gia sôi nổi và tích cực của học sinh vào nội dung khóa học.”

4. NÃO BỘ HOẠT ĐỘNG ĐỒNG ĐIỆU SẼ ĐỒNG NHẤT

Năm 2021, chúng tôi từng viết một báo cáo rằng khi học sinh tiến bộ sau một khóa học khoa học máy tính, hoạt động não của họ sẽ tạo ra các dấu hiệu thần kinh phản ánh hoạt động não của những học sinh khác, giáo viên và chuyên gia trong lĩnh vực này. “Những học sinh mà không nắm được nội dung bài học sẽ thể hiện những dấu hiệu thần kinh khác biệt với đa số; và thể hiện rằng họ đang lạc hướng.” Nhưng mô hình não bộ của những học sinh đạt điểm cao trong bài kiểm tra lại cũng cho thấy sự tương đồng với các học sinh đạt điểm cao từ bài kiểm tra đầu tiên – sự tương đồng cũng xảy ra khi so sánh với giáo viên và các chuyên gia.

Điều thú vị là, ngay cả những khái niệm trừu tượng – những khái niệm không có bất kỳ thuộc tính vật lí nào – dường như cũng có khả năng kích hoạt các biểu diễn tâm lí tương tự trong tâm trí của học sinh. Điều đó chứng tỏ sự linh hoạt trong nhận thức đa số là thể hiện thông qua phương thức giao tiếp và chia sẻ kiến thức của con người.

Một nghiên cứu năm 2023 sử dụng điện não đồ (EEG) phần lớn đã giúp xác nhận những phát hiện đó. Trong bài nghiên cứu, các giáo viên khoa học ở trường trung học đã dạy những học sinh ở độ tuổi thanh thiếu niên (được trang bị sẵn kiến thức về điện cực) những chủ đề khoa học như bước tiến hóa trong việc đi bằng hai chân, môi trường sống, và chất béo. Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hiện tượng “đồng nhất não bộ” xuất hiện mạnh mẽ hơn giữa bạn bè đồng trang lứa hay giữa học sinh và giáo viên, từ đó dự đoán rằng kết quả học tập có thể sẽ được cải thiện trong các bài kiểm tra tiếp theo, dù là ngay lập tức hay là một tuần sau đó.

Những nghiên cứu này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của trình độ chuyên môn cao và dạy học trực tiếp, nhưng đồng thời cũng gợi ý về sức mạnh tiềm ẩn của học tập đồng đẳng (peer-to-peer learning) và học tập xã hội (social learning). Khi giáo viên truyền đạt kiến thức đến người học ở trình độ cao hơn hoặc thấp hơn, sẽ có một số học sinh tiếp thu rất nhanh, số khác lại chậm hơn; lúc này chính là cơ hội để giáo viên có thể sắp xếp tạo ra một môi trường học tập đồng đẳng. Khi một học sinh giỏi được ghép cặp với một bạn học yếu hơn, có thêm sự hỗ trợ từ các giáo viên, các nhóm học sinh này có thể cùng nhau tìm hiểu và đạt được kiến thức chung về nội dung bài học.

5. NHÌN CHUNG THÌ SÁCH TRANH TOÁN HỌC THỰC SỰ HIỆU QUẢ

Câu ngạn ngữ cổ “một bức tranh hơn ngàn lời nói” có thể được phản ánh thông qua một phép nhân đơn giản. Nhưng liệu việc sử dụng sách tranh toán học thực sự có thể làm việc học trở nên dễ dàng hơn không?

Năm 2023, một bài đánh giá tổng quan về 16 bài nghiên cứu kết luận rằng những cuốn sách như “Are We There Yet, Daddy?” và “Sir Cumference and the Dragon of Pi” có thể giúp tăng sự hứng thú và cải thiện thái độ của học sinh đối với môn toán; củng cố kiến thức về các bài giảng về đồ thị hay mô hình vật lí; cải thiện thành tích với các dạng bài như đếm đến 20, nắm được khái niệm về giá trị của hàng chữ số, và tính đường kính. Đặc biệt ở giai đoạn đầu đời, sách tranh toán học có thể tạo nên những điều kì diệu. Một nghiên cứu cho thấy các em học sinh nhỏ tuổi “thường có xu hướng dự đoán về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, từ đó cảm thấy hứng thú, quan tâm hơn đến việc hiểu các vấn đề và kích thích sự tò mò trong việc tìm ra giải pháp” – nhưng thậm chí ngay cả học sinh trung học cũng có vẻ thích thú với việc đọc to sách toán.

Điều quan trọng là sách tranh toán học không thể thay thế cho việc luyện tập và thành thạo các quy tắc toán học. Tác giả cũng lưu ý rằng, thông thường các giáo viên sử dụng sách tranh toán học như phần mở đầu hoặc kết thúc cho một bài học. Chẳng hạn như sử dụng sách tranh để giới thiệu một khái niệm toán học “nhằm chuẩn bị cho học sinh luyện tập và tham gia các hoạt động sắp tới”, hay sử dụng chúng để cho các em ôn lại nội dung ở cuối bài học. 

6. ĐỂ CẢI THIỆN KHẢ NĂNG VIẾT CỦA HỌC SINH, HÃY HẠN CHẾ NHẬN XÉT (VÀ ĐỂ CÁC EM TỰ ĐÁNH GIÁ)

Thật khó để nâng cao khả năng viết của học sinh. Việc phải dành ra hàng giờ để đọc cũng như phải thêm hàng chục dòng ghi chú có thể nuốt trọn cả cuối tuần của giáo viên, thậm chí còn không đảm bảo là học sinh sẽ có thể hiểu và chỉnh sửa những phần nhận xét đó một cách hiệu quả. 

Trên thực tế, một nghiên cứu mới cho thấy, nếu không có hướng dẫn của giáo viên thì việc chỉnh sửa bài viết sẽ diễn ra rất hời hợt. Ví dụ, học sinh có thể sẽ chỉnh sửa lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp, hay chỉnh sửa sơ qua một vài ý tưởng, nhưng sẽ chỉ dừng lại ở đó. Một giải pháp thay thế khả quan và giúp giáo viên tiết kiệm thời gian hơn đó là triển khai phiếu tự đánh giá (rubrics)

Ví dụ như học sinh có thể sửa lỗi đánh máy và lỗi ngữ pháp, hoặc chỉnh sửa sơ sài, qua loa cho một vài ý tưởng, và mọi thứ đều dừng lại ở đó. Một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn và tiết kiệm thời gian là triển khai phiếu tự đánh giá (rubrics), văn mẫu và các hướng dẫn rõ ràng hơn cho bài viết.

Trong bài nghiên cứu, trước hết, bài viết của các em học sinh trung học sẽ được chấm điểm dựa trên tiêu chí về sự rõ ràng, tinh tế và toàn diện; sau đó các bài sẽ được chia thành từng nhóm để kiểm tra tính hiệu quả của các chiến lược viết bài. Những bài viết của học sinh mà đã tham khảo phiếu tự đánh giá (rubrics) gần như có đầy đủ các yếu tố của một bài viết xuất sắc – ví dụ, có luận điểm chính rõ ràng, có những luận cứ chặt chẽ, và có cấu trúc tổng thể mạch lạc. Từ đó, các em đã cải thiện thành tích của mình lên nửa điểm, trong khi những học sinh sử dụng sử dụng văn mẫu chỉ tăng được một phần ba số điểm.

Theo một nghiên cứu mới đây, phiếu tự đánh giá (rubrics) và văn mẫu có thể được sử dụng nhiều lần, giúp giáo viên “tăng cường khả năng tận dụng thời gian” và “nâng cao khả năng tự nhận xét” cho học sinh, từ đó giúp các em nâng cao khả năng viết và trở nên tự tin hơn trong tương lai.

7. MỘT LÝ THUYẾT MỚI VỀ CUỘC KHỦNG HOẢNG SỨC KHỎE TÂM THẦN Ở LỨA TUỔI THANH THIẾU NIÊN

Các bậc phụ huynh, giáo viên và các chuyên gia y tế đang lo lắng về sự gia tăng đáng báo động trong nhiều thập kỉ qua về các vấn đề sức khỏe tâm thần ở độ tuổi thanh thiếu niên, bao gồm trầm cảm, cảm giác “vô vọng dai dẳng (persistent hopelessness)” và nghiện ma túy.

Nguyên nhân gốc rễ vẫn chưa được tìm thấy, tuy nhiên điện thoại di động và mạng xã hội đang được cho là những tác nhân chính gây ra vấn đề này. Tuy nhiên, một bài nghiên cứu lớn vào năm 2023 đã đưa ra một lời giải thích khác nhận được rất nhiều sự quan tâm. Theo đó, sau khi tiến hành rà soát kĩ lưỡng các dữ liệu và xem xét yếu tố văn hóa, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng nguyên nhân chính là “trong nhiều thập kỷ qua, trẻ em và thanh thiếu niên có ít cơ hội hơn để có thể tự do chơi đùa, khám phá môi trường xung quanh, và tham gia vào các hoạt động mà không cần sự giám sát hay kiểm soát từ bậc phụ huynh.”

Các bài đánh giá học thuật về báo lịch sử, sách và chuyên mục tư vấn về nuôi dạy con cái đã mô tả về một thời đạị mà trẻ em “tự đi bộ hay đạp xe đến trường”, và đóng góp cho “giá trị gia đình” và “cuộc sống cộng đồng” thông qua từ những việc làm nhỏ như việc nhà cho đến những hành động ý nghĩa cho cộng đồng. Nếu những điều đó chưa thể thuyết phục được bạn, thì dữ liệu thu thập được trong vòng 50 năm qua cũng cho thấy sự tương quan: cha mẹ cũng thừa nhận rằng con cái của mình dành ít thời gian hơn để đi chơi một mình so với thời của họ, và cũng còn rất ít cảnh trẻ em tự đi bộ, đạp xe hay đi xe buýt đến trường, hoặc được phép băng qua đường đông đúc một mình. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, một cuộc khảo sát của chính phủ đã cho thấy vào năm 1969, có 48% học sinh với độ tuổi từ mầm non đến trung học (K-8) đi bộ đến trường, nhưng con số này chỉ còn 13% vào năm 2009. 

Trong khi đó, việc chơi các trò chơi mạo hiểm và các hoạt động ngoài trời không có sự giám sát, vốn có thể “ngăn cản sự phát triển của những chứng sợ hãi” và giúp giảm “sự lo lắng trong tương lai bằng cách tăng cường sự tự tin của người đó trong việc đối phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp”, lại bị coi là không tốt. Điểm cuối cùng này là rất quan trọng, bởi vì có hàng chục nghiên cứu cho thấy hạnh phúc trong thời thơ ấu và tuổi thiếu niên được thúc đẩy bởi cảm giác nội tâm về “sự tự chủ, năng lực cạnh tranh và sự kết nối”. Thêm vào đó, việc tự chơi một mình, làm việc có mục đích, hay giữ một vai trò quan trọng trong lớp học và trong cả gia đình là những hình thức luyện tập  thiết yếu khi còn nhỏ.

Dù là do nguyên nhân gì đi nữa thì trẻ nhỏ dường như luôn cảm thấy có điều gì đó không ổn. Trong một bài nghiên cứu vào năm 2017, khi cho trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo xem các hình ảnh về những hoạt động vui chơi, các bé thường xuyên loại bỏ những tấm hình có người lớn khỏi danh mục ‘trò chơi’, và phủ nhận vai trò của người lớn trong một phạm trù mà các bé xem là chỉ thuộc về riêng mình.

8. GIẢNG DẠY TRỰC TIẾP (DIRECT INSTRUCTION) VÀ HỌC TẬP KHÁM PHÁ (INQUIRY-BASED LEARNING) CÓ MỐI QUAN HỆ BỔ TRỢ LẪN NHAU

Cuộc tranh luận về việc nên sử dụng phương pháp giảng dạy trực tiếp hay phương pháp học tập khám phá thường xuyên diễn ra sôi nổi nhưng cuối cùng vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

Trong một nghiên cứu năm 2023 đánh giá các luận cứ ủng hộ cho cả hai phương pháp, các nhà giáo dục đã giải thích rằng, về bản chất, giảng dạy trực tiếp thường truyền đạt thông tin “bằng cách giảng bài và ở đó giáo viên đóng vai trò là người dẫn dắt.” Những người phê bình thường chỉ tập trung vào tính thụ động của phương pháp này, mà bỏ qua các hoạt động như ghi chú, câu hỏi luyện tập, và thảo luận trong lớp. Trong khi đó, những người phản đối việc học tập dựa trên khám phá cho rằng phương pháp này thật hỗn loạn, giống như gửi học sinh đi tìm kiếm một cách vô ích và yêu cầu các em phải tự mình khám phá ra các định luật vật lý – mặc cho các nhà nghiên cứu đã nói rằng phương pháp này thực sự có thể giúp học sinh mở khóa “khả năng học sâu như tự xây dựng, tự giải thích, và chiến lược siêu nhận thức.”

Cả hai bên đều hiểu sai về những gì giáo viên thực sự làm trong lớp học. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, các mô hình giảng dạy thường “được kết hợp với nhau trong thực tế,” và học tập khám phá thường được bổ trợ bằng giảng dạy trực tiếp. Ví dụ, giáo viên có thể bắt đầu bài học bằng việc dẫn dắt học sinh ôn tập lại các khái niệm chính, sau đó sẽ yêu cầu các em áp dụng những gì đã học được vào các ngữ cảnh khác. 

Hãy để cuộc tranh luận tiếp tục. Các giáo viên đã biết rằng sự thông thạo về kiến thức và sự cần thiết phải đấu tranh. Vấp ngã, thậm chí là đi vào ngõ cụt đều là những yếu tố không thể thiếu trong quá trình học tập. Giảng dạy là một quá trình linh hoạt, phức tạp, và cần điều chỉnh liên tục; bất kỳ nỗ lực nào cũng không thể đơn giản hóa khái niệm này thành một chiến lược hay một chương trình duy nhất để phù hợp với tất cả trẻ em trong mọi hoàn cảnh. 

9. MỘT NGHIÊN CỨU QUY MÔ LỚN KHẲNG ĐỊNH LẠI GIÁ TRỊ CỦA GIÁO DỤC CẢM XÚC – XÃ HỘI (SEL)

Như déjà vu (hiện tượng ảo giác đã từng nhìn thấy), sau khi đưa khái niệm giáo dục xã hội và cảm xúc lên bản đồ với nghiên cứu năm 2011 kết luận rằng các chương trình SEL đã giúp học sinh cải thiện thành tích học tập một cách đáng kể lên tới 11%, Joseph Durlak đã quay trở lại năm 2023 với một nghiên cứu tương tự, hợp tác cùng một đội ngũ dẫn đầu bởi giáo sư Christina Cipriano ở Yale.

Nhóm nghiên cứu vừa công bố một bài phân tích tổng hợp toàn diện khảo sát 424 nghiên cứu với hơn nửa triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 (K-12), xem xét kĩ lưỡng các chương trình và chiến lược SEL trong trường học như chánh niệm, kĩ năng xã hội, quản lí lớp học và trí tuệ cảm xúc. Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra kết luận rằng những học sinh tham gia các chương trình như vậy đều được trải nghiệm và có những kết quả nhất định “thành tích học tập, môi trường học đường, hoạt động của trường, kĩ năng cảm xúc xã hội, thái độ và hành vi xã hội công dân đều được cải thiện.”

Điều thú vị là SEL vẫn luôn tạo động lực mạnh mẽ cho học sinh phát triển văn hóa và đạt kết quả học tập tốt hơn trong những năm học ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đây cũng là một lời nhắc nhở rằng sẽ chẳng có điểm giới hạn nào cho việc xây dựng mối quan hệ, dạy về sự đồng cảm, và tạo ra môi trường học tập cởi mở và hòa nhập.

Mặc dù các chính trị gia vẫn tiếp tục tranh cãi về chủ đề này, thực tế cho thấy SEL vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ rộng rãi, miễn là nó cho ra kết quả học tập tốt hơn. Một cuộc khảo sát ở Viện Thomas B. Fordham năm 2021 cho thấy, phụ huynh mặc dù phản ứng tiêu cực với phương pháp giảng dạy được gọi là “học tập xã hội và cảm xúc”, nhưng lại trở nên có thiện cảm khi gọi nó là “học tập xã hội – cảm xúc học thuật”; tên gọi này thực sự đã giúp đảo ngược tình thế và đảm bảo được sự ủng hộ từ phía phụ huynh.  

10. THÊM BẰNG CHỨNG CHO PHƯƠNG PHÁP TỐT HƠN “TÌM Ý CHÍNH”

Ở Hoa Kỳ, chiều hướng dạy đọc hiểu liên tục thay đổi giữa phương pháp dựa trên kỹ năng (skill-based) và phương pháp dựa trên kiến thức (knowledge-based). Năm 2019, mọi thứ dường như đi đến đỉnh điểm: Trong khi các bài dạy về đọc hiểu vẫn luôn nhấn mạnh vào các kĩ năng linh hoạt chuyển đổi như “tìm ý chính” hay “đưa ra suy luận”, thì tác giả Natalie Wexler đã cho xuất bản cuốn sách “The Knowledge Gap” có sức ảnh hưởng rất lớn trong việc phê phán phương pháp dựa trên kỹ năng. Sau đó, một nghiên cứu lớn năm 2020 của Viện Thomas B. Fordham cũng bày tỏ quan điểm tương tự, “cho các em tiếp cận với các nội dung phong phú về công dân, lịch sử, và luật pháp” dạy đọc hiểu hiệu quả hơn so với phương pháp dựa trên kỹ năng.

Giờ đây, 2 bài nghiên cứu chất lượng cao mới – với sự tham gia của các nhà nghiên cứu hàng đầu cùng hơn 5.000 học sinh tại 39 trường học – dường như đã hoàn thiện nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ để đưa kiến thức nền tảng lên thành ưu tiên hàng đầu trong việc dạy đọc.

Trong một nghiên cứu của Harvard, 3.000 học sinh tiểu học tham gia một chương trình đọc viết kéo dài một năm tập trung vào các lĩnh vực “giàu kiến thức” về nghiên cứu xã hội và khoa học; ví dụ, khám phá các phương pháp được sử dụng để nghiên cứu các sự kiện trong quá khứ, hoặc điều tra cách động vật tiến hóa để tồn tại trong các môi trường sống khác nhau. So với các bạn cùng lớp trong các lớp thông thường, những người đọc “dựa trên kiến thức” đạt điểm cao hơn 18% trong bài kiểm tra đọc hiểu tổng quát. Các nhà nghiên cứu đã giải thích rằng kiến thức nền tảng hoạt động như một giàn giáo, giúp học sinh “kết nối những kiến thức mới với những kiến thức nền tảng sẵn có, từ đó giúp các em liên hệ bài học mới này tới các chủ đề liên quan.”

Trong một nghiên cứu khác, một nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm các chuyên gia hàng đầu David Grissmer, Daniel Willingham và Chris Hulleman, đã kiểm tra tác động của chương trình “Kiến thức cốt lõi” đối với 2.310 học sinh từ độ tuổi mẫu giáo tới lớp sáu tại 9 trường công lập hoạt động theo mô hình xổ số ở Colorado. Sau khi tính toán và phân tích, phương pháp này đã cải thiện điểm đọc của các em lên 16%; và nếu được áp dụng toàn quốc, thậm chí có thể giúp học sinh Hoa Kỳ đạt được thứ hạng cao hơn (từ vị trí thứ 15 lên vị trí thứ 5) trong các bài kiểm tra đọc quốc tế. 

Cán cân đã chuyển dịch, nhưng các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo về sự mất cân bằng trầm trọng này. Họ cũng làm rõ về việc dường như có “hai quá trình nhận thức riêng biệt nhưng bổ sung cho nhau liên quan đến sự phát triển và học tập: ‘xây dựng kĩ năng’ và ‘tích lũy kiến thức’.” Cán cân có thể mất cân bằng, nhưng để có thể trở thành những người đọc thành thạo, bạn sẽ cần cả hai.

Nguồn: https://www.edutopia.org/article/10-most-significant-education-studies-2023/


Chia sẻ bài viết:

    Nhận tư vấn và kiểm tra miễn phí