11 HOẠT ĐỘNG TOÁN HỌC THỰC TIỄN THU HÚT HỌC SINH
“Việc kết nối các khái niệm toán học trừu tượng với các trải nghiệm thực tế có thể giúp học sinh dễ tiếp cận và thấy được ứng dụng của môn học này trong cuộc sống.” – Daniel Leonard
Trong một bài học về độ dốc, học sinh của thầy José Vilson dường như không thể nào nắm được kiến thức và ngày càng trở nên nản chí. Người cựu giáo viên toán trung học này bắt đầu suy nghĩ tìm ra những cách sáng tạo để truyền tải khái niệm này. Trong một bài báo gần đây trên Teacher2Teacher, Vilson đã chia sẻ: “Tôi đã luôn suy nghĩ rằng học sinh của tôi đã hiểu bản chất của bài học, các em chỉ là không biết rằng mình đã hiểu”.
Thách thức đặt ra là: “Làm thế nào để tôi có thể kích hoạt kiến thức mà các em không tin là mình có?”
Khi giáo viên thông qua trải nghiệm thực để dạy toán
Từ nỗi trăn trở đó, Vilson nghĩ đến một quả đồi cách trường học vài dãy nhà mà học sinh của ông “đi lên mỗi ngày để đến ga tàu điện ngầm.” Thế là ông dán giấy lên bảng và bắt đầu phác họa hình ảnh những người que trên quả đồi. Vilson, hiện là giám đốc điều hành của EduColor mô tả hình ảnh đó như sau:
“Một người ở trên đỉnh đồi, một người ở giữa đồi, một người ở chân đồi đang trượt trên mặt phẳng, và một người ở trên vách đá.”
Sau đó ông hỏi học sinh rằng:
“Ai trong số những người này sẽ đi nhanh hơn, và tại sao?”.
“Điều đó khiến bọn trẻ cười phá lên vì hình ảnh người que này dĩ nhiên sẽ không được trình bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA)”. Tuy nhiên, hình vẽ này đã khiến chúng phải suy nghĩ và thảo luận. Vilson cho rằng đây chính là một bước đệm đơn giản “khiến cho toán học trở nên có lên quan và có ý nghĩa trong cuộc sống của các em.”
Vilson cũng viết rằng: “Không có gì lạ khi học sinh đến lớp và nghĩ rằng toán học chỉ dành cho những người thông minh hơn, lớn tuổi hơn, hay những người không nằm trong các mối quan hệ gần gũi với mình. Nhưng mỗi khi dạy toán, tôi luôn cố gắng dạy một cách dễ hiểu và thực tế nhất cho học sinh và giúp chúng hiểu ra rằng ‘Toán học là của các em’.”
11 HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN THU HÚT HỌC SINH HỌC TOÁN
Tiếp nối ý tưởng của Vilson, chúng tôi đã đăng bài trên các kênh truyền thông xã hội kêu gọi các giáo viên chia sẻ những phương pháp yêu thích để kết nối toán học với các trải nghiệm đời sống của học sinh. Theo đó, chúng tôi đã nhận về hàng trăm phản hồi từ các giáo viên toán ở tất cả các cấp học.
Dưới đây là 11 hoạt động đã được các thầy cô kiểm nghiệm để có thể giúp học sinh tương tác với toán học xung quanh các em mỗi ngày.
1. TÌM KIẾM MANH MỐI
Hệ tọa độ có thể là một khái niệm trừu tượng đối với một số học sinh. Nhưng việc sử dụng tọa độ để xác định vị trí ở những nơi quen thuộc có thể giúp củng cố khái niệm này một cách thú vị. Kolbe Burgoyne, một giáo viên ở Úc chia sẻ rằng “Trước khi bắt đầu bài học về hệ tọa độ, tôi đã vẽ lại trường học dưới dạng bản đồ kẻ ô và nhuộm trà để làm chúng cũ đi. Sau đó tôi cho học sinh đi săn kho báu bằng cách sử dụng các tham chiếu để xác định vị trí manh mối. Hoạt động này vừa vui, vừa ý nghĩa, chắc chắn các em sẽ rất hào hứng tham gia.”
2. LẬP KẾ HOẠCH CHI TIÊU CHO CHUYẾN ĐI
Các giáo viên cho biết học sinh rất thích lên kế hoạch và tính toán chi phí cho các chuyến đi giả tưởng, và các giáo viên có thể tận dụng để cho các em thực hành luyện tập các phép tính như cộng, trừ, nhân với các số lớn. Ví dụ, trong lớp học tài nguyên của Miranda Henry, học sinh được yêu cầu để lên kế hoạch cho một chuyến đi giả định cho kỳ nghỉ xuân. Các em sẽ tìm kiếm vé máy bay, khách sạn, chỗ ăn, và bất kỳ thứ gì khác cần thiết miễn là mọi chi phí đều phù hợp với ngân sách cho trước.
Một giáo viên toán học khác là Alicia Wimberley cũng áp dụng phương pháp tương tự khi yêu cầu học sinh Texas của mình lên kế hoạch và lập ngân sách cho chuyến đi giả định đến Hẻm núi Grand Canyon. “Các em thích tính thực tiễn của bài toán và thậm chí còn bắt đầu nhận thức được sự liên quan của các chữ số thập phân – bao gồm cả việc các con số không ,00 ở cuối bảng giá quan trọng như thế nào khi cộng vào.” Wimberley cũng cho biết, một học sinh của cô đã nhầm lẫn các số thập phân và suýt lên kế hoạch cho một chuyến đi tận 25,000 đô la; bạn ấy cũng đã phát hiện ra cái sai này và tính toán lại chi phí cho chuyến đi chỉ khoảng 3,000 đô la.
3. KHƠI DẬY NIỀM ĐAM MÊ PIZZA
Các nhà giáo dục trong nhóm khán giả của chúng tôi đa số rất thích “bài toán pizza” – bất kỳ dạng toán nào liên quan đến pizza. Shane Capps cho biết: “Bài toán pizza luôn được ưa chuộng trong bài dạy về diện tích của hình tròn”. Ví dụ, nếu một cửa hàng bán 1 cái bánh pizza có đường kính 10 inch (25,4 cm) thì diện tích toàn bộ chiếc bánh là bao nhiêu?
Một giáo viên toán khác chia sẻ trên Instagram của chúng tôi rằng “Bài toán pizza là một phương pháp rất hay cho phép học sinh làm nhiều dạng toán với cộng, trừ, nhân, giải bài toán bằng lời, phân số, và hình học.” Theo đó, trên mạng có vô số các bài toán bằng lời dưới hình thức bài toán pizza. Đây là một ví dụ đơn giản từ Jump2Math: Một chiếc bánh pizza cỡ vừa được chia thành sáu miếng. Bố và mẹ mỗi người ăn một miếng. Hỏi còn lại bao nhiêu miếng pizza?
4. CHỌN CỐC ĐONG
Lindsey Allan chia các học sinh lớp Ba thành từng cặp và yêu cầu mỗi cặp tìm một công thức nấu ăn yêu thích trên mạng; các em sẽ phải sử dụng phép nhân để tính số nguyên liệu cần thiết đủ cho cả lớp cùng ăn. Sau đó, lớp sẽ bỏ phiếu cho công thức được yêu thích nhất và viết ra một danh sách mua sắm. Allan cho rằng “việc lập danh sách mua sắm sẽ mang nhiều tính chất toán học hơn vì các em sẽ phải tự tính toán; ví dụ ‘nếu chúng ta cần từng này bơ cho một công thức nhân đôi, vậy thì chúng ta sẽ cần ba hay bốn thanh bơ? Và lượng bơ bị thừa sẽ là bao nhiêu?’ Cứ như vậy học sinh cũng đã thực hiện phép chia mà không hề nhận ra!”
Đôi khi, một sai lầm trong nấu ăn lại dạy cho học sinh bài học đắt giá về tỷ lệ. Giáo viên Holly Satter nói thêm: “Không ai muốn ăn một chiếc bánh quy sôcôla chip với lượng bột gấp đôi mà lượng sôcôla chip chẳng bao nhiêu.”
5. VẬN ĐỘNG
Hoạt động ngoài trời không chỉ tốt cho sức khỏe của trẻ mà còn có thể mang tới trải nghiệm toán học phong phú cho các em. Giáo viên Jenna McCann gợi ý, ở lớp hai, trẻ em có thể ra ngoài để đo chu vi, ví dụ như chu vi của những bồn hoa trong sân trường. Nếu không thể đi ra ngoài thì vẫn còn rất nhiều ví dụ trong khuôn viên trường học, chẳng hạn như đo chu vi của bàn ăn trong căn tin hoặc đo đường kính của các hình tròn được dán trên sàn phòng tập thể dục.
Trong một buổi học về hình học lớp 8, Maricris Lamigo đã chia sẻ rằng “Tôi cho học sinh đi xung quanh trường và chụp ảnh lại những thứ thể hiện ứng dụng của tam giác bằng nhau.” Christopher Morrone, một giáo viên lớp 8 khác, cho biết thêm: “Tôi yêu cầu học sinh đo khoảng cách trong sân thông qua hai miếng dán mà tôi đặt trên sàn dựa trên định lý Pytago.” Trong tiết học về lượng giác, Cathee Cullison đã cho học sinh cầm theo thước dây và máy đo độ nghiêng tự chế ra ngoài để tìm chiều cao, chiều dài và diện tích bằng cách sử dụng các công thức đã học về tam giác. Theo đó, học sinh có thể tự làm ra máy đo độ nghiêng bằng cách sử dụng thước đo góc và một vài vật dụng có sẵn trong nhà.
6. CHUẨN BỊ HÀNH TRANG CHO TƯƠNG LAI
Để những tiết toán vừa nghiêm túc vừa hấp dẫn, cô Pamela Kranz đã tổ chức một hoạt động học tập theo dự án (project-based learning) trong vòng một tháng. Với hoạt động này, học sinh sẽ làm một công việc và được trả lương theo đúng quy định. Sau đó, các em phải lập kế hoạch chi tiêu cho thu nhập của mình để “trả tiền thuê nhà, thanh toán chi phí đi lại, mua sắm các loại nhu yếu phẩm” và vượt qua các trường hợp tài chính khẩn cấp như chi phí chăm sóc y tế hay sửa chữa ô tô. Kranz viết, khi học về tài chính cá nhân, học sinh sẽ được nâng cao nhận thức, hiểu biết về phân số, số thập phân và tỷ lệ phần trăm.
7. NGHIÊN CỨU CÁC THỐNG KÊ THỂ THAO
Để giúp học sinh học được cách rút ra kết luận từ dữ liệu cũng như làm quen với số thập phân và phần trăm, Kyle Pisselmyer, một giáo viên lớp 4, đã yêu cầu học sinh so sánh tỷ lệ thắng-thua của đội thể thao địa phương với đội tuyển ở quê nhà của mình. Nhà giáo dục Maggierose Bennion cho biết, nếu học sinh gặp khó khăn trong việc tìm hiểu về số thập phân hay không quan tâm đến sự khác biệt giữa 0.3 và 0.305, các em sẽ có thể nhận ra ngay lập tức khi xem xét số liệu của các cầu thủ bóng chày.
Giáo viên toán lớp 6 Jeff Norris cho biết March Madness (Giải Bóng rổ Đại học vô địch Quốc gia Mỹ) là một nguồn cung cấp dữ liệu thực tế tuyệt vời để học sinh phân tích trong lớp toán. Tháng Ba vừa qua, Norris đã trang trí lớp học của mình giống như một sân bóng rổ, sau đó yêu cầu học sinh thực hiện phân tích thống kê cơ bản như tính trung bình, trung vị và mốt bằng cách sử dụng dữ liệu của March Madness, bao gồm điểm của từng trận đấu và tỷ lệ thắng của mỗi đội. Norris nói: “Chúng tôi cũng thu thập một số dữ liệu thông qua các trạm bóng rổ của riêng mình và biến chúng thành các dữ liệu thích hợp”. Học sinh tự chia đội để ném bóng giấy vào rổ trong một khoảng thời gian nhất định; sau đó điểm số sẽ được ghi lại trong một bảng tính, và các em sẽ cùng kiểm tra dữ liệu ghi điểm của toàn bộ lớp để trả lời các câu hỏi về trung bình, trung vị, mốt, phạm vi và các giá trị ngoại lai.
8. GIẢ LẬP MUA SẮM
Jessie, một giáo viên lớp 6, cho biết: “Học sinh của tôi yêu thích bất kỳ hoạt động nào liên quan đến MUA SẮM!”. Theo đó, cô đã tạo ra và sử dụng các quảng cáo, hóa đơn cửa hàng để làm thành các bài toán cho các em luyện tập giải dạng toán về tỷ lệ phần trăm cũng như làm quen với phân số và số thập phân.
Để học sinh cảm thấy việc mua sắm thu hút hơn, nhà giáo dục toán học Rachel Aleo-Cha sẽ tập trung vào những món đồ mà cô biết học sinh chắc chắn sẽ thích. Aleo-Cha nói: “Tôi đưa ra các câu hỏi kết hợp với các món đồ như AirPods, giày Nike, mỹ phẩm, v.v.” Cô cũng yêu cầu học sinh tính thuế bán hàng và giúp các em hiểu được “giá cả của một sản phẩm được giảm 50% mà giảm thêm 20% sẽ hoàn toàn khác với giá cả của một sản phẩm được giảm 70%.”
9. TOÁN HỌC NGAY TRONG HOẠT ĐỘNG HẰNG NGÀY
Toán học ở khắp mọi nơi, đôi lúc rút nhanh chiếc điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc bất chợt cũng có thể tạo ra những nội dung tuyệt vời cho một tiết học toán. Ví dụ, khi đang ở dưới chân núi Elbert ở Colorado, Ryan Walker, một giáo viên toán học, đã ghi hình lại một bài toán bằng lời cho học sinh lớp bốn và lớp năm của mình. Cụ thể trong video, anh ấy tiết lộ rằng bây giờ là 4:42 sáng, và anh ấy có thể sẽ mất 249 phút để lên tới đỉnh núi. Anh hỏi học sinh của mình rằng, anh sẽ đến vị trí đỉnh núi lúc mấy giờ, và giả sử thời gian xuống núi bằng hai phần ba thời gian đi lên, vậy anh sẽ xuống núi lúc mấy giờ?
Các hoạt động thường ngày cũng có thể được phát triển thành một bài toán. Walker chia sẻ: “Tại một trạm xăng, tôi quay video cho biết dung tích bình xăng của tôi đồng thời cung cấp giá xăng hiện tại, và cho biết lượng xăng còn lại trong bình. Sau đó, học sinh của tôi sẽ sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau (ước lượng, chia, nhân phân số, nhân số thập phân, v.v.) để có thể ước tính được số tiền cần thiết để đổ đầy bình xăng.”
10. KẾT NỐI VỚI VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Việc kết nối toán học với các vấn đề xã hội đang nổi cộm cũng có thể cho ra một bài toán hấp dẫn. Trong một bài học về tỷ lệ và tỷ lệ thuận, giáo viên trung học Jennifer Schmerler bắt đầu bằng cách yêu cầu học sinh xây dựng “một thành phố bất công nhất” – nơi tài nguyên và dịch vụ công như các trạm cứu hỏa được phân bố rất không đồng đều. Sau đó, dựa trên các bảng và biểu đồ phản ánh sự phân bố dân cư và tài nguyên của thành phố, học sinh sẽ xây dựng một thành phố công bằng hơn.
11. TRỞ THÀNH NHÀ KINH DOANH
Mỗi năm, nhà giáo dục Karen Hanson yêu cầu học sinh lớp bốn và lớp năm của mình động não để đưa ra danh sách các ý tưởng kinh doanh tiềm năng, sau đó khảo sát toàn trường chọn ra dự án được ưa chuộng nhất. Theo đó, Hanson đã cho ra bài toán như sau: “Chúng tôi sẽ vẽ biểu đồ để trình bày kết quả khảo sát và nghiên cứu về tất cả các loại câu hỏi”, ví dụ như sở thích của học sinh có thay đổi theo độ tuổi không. Trước đó, ý tưởng bán áo phông và làm ví từ băng keo là những dự án đã giành chiến thắng.
Tiếp đó, học sinh sẽ phát triển danh sách tài nguyên cho doanh nghiệp, nghiên cứu giá thành và tổng hợp mọi thứ. Các em phải tính toán mức giá hợp lý cho thành phẩm và lượng bán ra cần thiết để thu được lợi nhuận. Đến cuối dự án, học sinh cần phải viết báo cáo tài chính để kiểm tra xem lợi nhuận thực tế như thế nào so với doanh số bán hàng đã dự kiến.
HÃY CÙNG GIÚP ĐỠ LẪN NHAU!
Chúng tôi hy vọng bài viết này sẽ đóng góp một phần giúp phát triển các ý tưởng bài học biến môn toán trở nên thực tế và gần gũi hơn với các em học sinh. Hãy cho chúng tôi biết về những hoạt động nào mà bạn áp dụng để kết nối toán học với các trải nghiệm thực tế của các em.
Nguồn: https://www.edutopia.org/article/making-math-tangible