RÈN LUYỆN KĨ NĂNG TƯ DUY CHO TRẺ EM TRONG GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

29/Jul/2024
Xu hướng giáo dục quốc tế

Rèn luyện kĩ năng tư duy cho trẻ em

Hướng đến năm 2030 đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), các lớp học ngày càng tập trung vào việc giáo dục phát triển bền vững. Theo như cựu Tổng Giám đốc của UNESCO – bà Irina Bokova giải thích, “Giáo dục là cốt lõi trong việc giúp con người thích ứng với những thay đổi và biến đổi của thế giới.”

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng nhiều giáo viên cảm thấy rất nản khi dạy về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Trong bài đăng gần đây với tựa đề “How to ‘Go Green’ in Your Classes with the SDGs” (Làm thế nào để ‘Thực hành Xanh’ trong lớp với SDGs), Daniel Barber thảo luận một số lí do khiến cho giáo viên tiếng Anh ngần ngại trước việc giới thiệu về SDGs trong lớp, chẳng hạn như cảm thấy SDGs không liên quan tới bài dạy. Những thầy cô dạy trẻ em có thể có thêm mối lo ngại; chúng tôi lo rằng các em còn quá nhỏ để có thể tham gia vào những chủ đề mang tính nghiêm túc và đầy thách thức như vậy.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể lồng ghép SDGs vào các bài giảng? Việc dạy học sinh về các mục tiêu liên quan (bảo vệ sinh vật biển, giảm thiểu chất thải thực phẩm, đạt được bình đẳng giới, v.v.) chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một cách tiếp cận hiệu quả hơn đó là dạy các em tư duy và hành động như thế nào để tạo ra sự thay đổi.

Xây dựng Khả năng Phục hồi cho trẻ em 

Giáo dục phát triển bền vững

Khả năng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030 ngày càng trở nên khó khăn. Song chúng ta vẫn có thể đưa ra lựa chọn: hoặc cho rằng mục tiêu quá khó để đạt được và bỏ cuộc, hoặc kiên trì bất chấp khó khăn. Điều quan trọng là những người học nhỏ tuổi này có thể thích nghi với sự thay đổi và tiếp tục tiến về phía trước mặc cho những thách thức vẫn ở đó. Vậy chúng ta, với tư cách là giáo viên, có thể làm gì để giúp các em phát triển, nâng cao khả năng phục hồi này?

Có rất nhiều điểm tương đồng giữa các cách xây dựng khả năng phục hồi với những gì chúng ta dạy khi sử dụng phương pháp Giáo dục Học tập Xã hội – Cảm xúc (SEL). Một cách để khởi đầu đó là dạy học sinh tự nhận biết cảm xúc của bản thân và làm thế nào để kiểm soát nó tốt hơn. Đối với học sinh nhỏ tuổi hoặc trình độ thấp, có thể chỉ đơn giản là dạy các em những từ vựng cần thiết để có thể nói về cảm xúc, và sau đó kiểm tra lại vào đầu giờ học tiếp theo chẳng hạn. Đối với những người học ở trình độ cao hơn, chúng ta có thể sử dụng “bánh xe cảm xúc” để phát triển vốn từ vựng cho các em; sau đó có thể yêu cầu các em sử dụng các mẫu câu đơn giản để kể về một khoảnh khắc mà các em cảm nhận được một cảm xúc cụ thể nào đó hoặc hỏi các em đã làm gì khi có cảm xúc như vậy. 

Ví dụ:

I feel … (excited) when …

When I feel (overwhelmed), I…

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể giúp học sinh xây dựng khả năng phục hồi bằng cách dạy các em giải quyết vấn đề, ví dụ như giới thiệu một cấu trúc đơn giản có thể áp dụng cho nhiều tình huống khác nhau.

Nhận biết vấn đề >> Tìm ra ít nhất 5 giải pháp khả thi >> Nhận biết được mặt lợi và mặt hại của mỗi giải pháp >> Chọn một giải pháp >> Thử nghiệm

Sau khi dạy học sinh cách giải quyết vấn đề, chúng ta có thể áp dụng mô hình cấu trúc này vào các hoạt động trong lớp, chẳng hạn như hoạt động thực hiện dự án. Việc lựa chọn và thử nghiệm giải pháp giúp học sinh chủ động hành động theo một cách có tổ chức và hữu ích hơn.

Giáo dục phát triển bền vững

Một dự án trong sách “Our World” Level 6

Chúng ta đều được kết nối

Mặc dù có rất nhiều kĩ năng tư duy khác nhau hỗ trợ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nhưng đối với những giáo viên tiếng Anh như chúng ta thì lòng thấu cảm toàn cầu lại đặc biệt quan trọng. Lối tư duy này sẽ giúp học sinh nghiên cứu các cách thức mà chúng ta được kết nối với những người và những nơi trên toàn thế giới. 

Các hoạt động như “Same, Different, Connect, and Engage” (Giống Nhau, Khác nhau, Kết nối, Tham gia) từ Dự án Zero của Trường Sau đại học về Giáo dục thuộc Đại học Harvard đặt ra các câu giúp học sinh nhận ra quan điểm của bản thân, và xây dựng cầu nối giữa mình với những người khác. 

Đối với học sinh nhỏ tuổi hoặc trình độ thấp, chúng ta có thể sử dụng biểu đồ Venn (Venn Diagram) để cung cấp một hình ảnh trực quan về những điểm chung và điểm khác biệt giữa các em và người khác. Chúng ta cũng có thể kết hợp biểu đồ Venn vào các bài học hiện có. Trong bài học này từ cuốn sách Look Level 2, học sinh được đọc về một ngôi trường rất khác so với ngôi trường của mình. Giáo viên có thể yêu cầu các em sử dụng biểu đồ Venn để so sánh và đối chiếu ngôi trường này với trường của các em. 

Giáo dục phát triển bền vững

Một bài học đọc trong sách “Look” Level 2

Nhìn Nhận Tổng Thể

Muốn có lòng thấu cảm toàn cầu thì chúng ta cần phải có tư duy tổng thể. Chúng ta không chỉ muốn học sinh thấu cảm với người khác, mà còn muốn các em hiểu rằng tất cả chúng ta đều được kết nối; và vì vậy hành động của một người có thể ảnh hưởng đến người khác. Dự án này từ cuốn sách Our World Level 3 thể hiện tư duy tổng thể một cách trực quan, cho thấy các bối cảnh và cộng đồng khác nhau, trong đó các học sinh trẻ có một vai trò nhất định.

Giáo dục phát triển bền vững

Một dự án trong sách “Our World” Level 3

Khi học sinh lớn hơn, chúng ta có thể khuyến khích các em sử dụng các lĩnh vực ảnh hưởng khác nhau để hiểu tác động của hành động thông qua các lăng kính khác nhau, ví dụ như sử dụng quy trình tư duy “The 3 Whys”(3 Tại Sao). Hơn nữa, tư duy này có thể được hỗ trợ trực quan bằng cách sử dụng một công cụ tổ chức sơ đồ (graphic organizer).

The 3 Whys (3 Tại Sao)

  • Đầu tiên, chúng ta yêu cầu người học xem xét tại sao vấn đề lại quan trọng đối với họ.
  • Sau đó, chúng ta mở rộng phạm vi và hỏi người học tại sao vấn đề lại quan trọng đối với những người xung quanh (như gia đình, bạn bè, trường học, hàng xóm, hoặc những người trong cùng thành phố).
  • Cuối cùng, chúng ta hỏi tại sao vấn đề lại quan trọng với toàn thế giới.

Ngoài ra, giáo viên cũng có thể sử dụng quy trình này theo thứ tự ngược lại để khuyến khích người học nhận thức rõ hơn về bản thân trong mối quan hệ với một sự kiện toàn cầu. 

Tư duy hướng về tương lai

Để phát triển sự thấu cảm với những người ở những nơi khác, đồng thời nhận thức sức ảnh hưởng về mặt địa lí của một hành động bất kì, học sinh cần phải nhận thấy rằng hiện tại không phải là thời điểm duy nhất mà chúng ta có. Hành động ở quá khứ sẽ có ảnh hưởng tới hiện tại, và vì vậy hành động ở hiện tại sẽ ảnh hưởng tới tương lai.

Biểu đồ thời gian thường được sử dụng trong lớp để nói về quá khứ, nhưng thật ra chúng cũng có thể sử dụng để dạy các em về tương lai. Chúng ta có thể khuyến khích học sinh đưa ra dự đoán về tương lai dựa trên những gì chúng ta biết về quá khứ và hiện tại. Các em cũng có thể bắt đầu suy nghĩ về cách mà những hành động ở hiện tại có thể khiến cho những dự đoán về tương lai trở thành hiện thực. 

Giáo dục phát triển bền vững

Một hoạt động thử thách đọc trong sách“Imagine” Level 3 

Chúng ta có thể không có khả năng để hoàn toàn xóa bỏ nạn đói, chiến đấu với thay đổi khí hậu, hay đảm bảo mọi người tiếp cận được với năng lượng bền vững. Nhưng thông qua việc dạy cho học sinh, giúp các em phát triển khả năng phục hồi, thấu cảm toàn cầu, tư duy tổng thể, và tư duy hướng đến tương lai, chúng ta vẫn đang từng bước xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Vậy bạn sẽ thử áp dụng ý tưởng nào ở lớp học của mình?

Tác giả: Ellen Setterfield
Ellen Setterfield có hơn 13 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em và trẻ vị thành niên trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh. Elly đã dạy và đào tạo nhiều giáo viên từ châu Âu tới Bắc Phi, và rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ trẻ em sử dụng tiếng Anh để hiểu thế giới xung quanh mình. 

Nguồn tham khảo: https://infocus.eltngl.com/2023/10/23/thinking-skills-for-young-learner-sustainable-development-education/


Chia sẻ bài viết:

    Nhận tư vấn và kiểm tra miễn phí