CHIẾN LƯỢC 5P ĐỂ ĐÁNH GIÁ CÔNG CỤ GENAI [DÀNH CHO GIÁO VIÊN TIẾNG ANH]

29/Jul/2024
Xu hướng giáo dục quốc tế

5P dành cho giáo viên
5P dành cho giáo viên

Bài blog gần đây của Cambridge đã chia sẻ kết quả của một bài nghiên cứu cho thấy các giáo viên tiếng Anh trên toàn thế giới khá hứng thú với các công cụ GenAI và muốn học cách sử dụng chúng, nhưng đồng thời họ cũng cần có thêm sự hỗ trợ và hướng dẫn. Những bài đăng khác cũng đã chia sẻ lời khuyên về việc sử dụng công cụ GenAI trong giảng dạy tiếng Anh, kèm theo đó là hướng dẫn viết lệnh cho AI. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là giáo viên nên sử dụng các công cụ cụ thể nào? Làm thế nào để giáo viên có thể xác định được công cụ đó đáng tin và phù hợp với công việc giảng dạy của mình?

Bởi vì các công cụ GenAI có thể phát triển rất nhanh và liên tục có những công cụ mới được ra đời, nên sẽ rất khó để có thể đề xuất một công cụ cụ thể nào đó cho giáo viên. Tuy vậy, khi bạn tìm thấy một công cụ GenAI mới và muốn sử dụng nó trong giảng dạy, chúng tôi khuyên bạn nên xem xét các câu hỏi dưới đây để đảm bảo rằng công cụ bạn sử dụng sẽ hiệu quả và an toàn cho công tác giảng dạy của mình.

Công cụ GenAI là gì?

Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI – GenAI) là một dạng trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra nhiều dạng dữ liệu như văn bản, hình ảnh và các nội dung khác.

Công cụ GenAI phổ biến nhất hiện nay là công cụ tạo văn bản hay còn được gọi là ‘chatbot’. Đây là chương trình máy tính tự động mà bạn có thể tương tác qua hội thoại; một số ví dụ có thể kể đến như Chat GPT của OpenAI, Google Gemini, và Copilot của Microsoft. Bên cạnh đó, các công cụ tạo hình ảnh như Midu Journey và DALL-E của OpenAI cũng nhận được nhiều sự quan tâm không kém.

Ngoài ra, còn có các công cụ khác sử dụng AI để tạo video, giọng nói, nhạc, hình ảnh 3D, mã code, v.v.

Năm tiêu chí (5P) giáo viên tiếng Anh cần xác định khi sử dụng GenAI

5 tiêu chí đánh giá dành cho giáo viên
5P dành cho giáo viên

Mục đích (Purpose)

Purpose - Mục đích khi sử dụng công cụ
Purpose – Mục đích khi sử dụng công cụ

Giáo viên chỉ nên sử dụng các công cụ GenAI khi nó thật sự mang lại giá trị và hỗ trợ cho việc giảng dạy. Khi sử dụng một công cụ mới, hãy thật cẩn thận trong việc đánh giá liệu nó có phù hợp với mục đích và mục tiêu giảng dạy của bạn hay không:

  • Mục đích của công cụ GenAI đó là gì? Đây là công cụ tạo ra văn bản, tạo ra hình ảnh, hay làm được điều gì khác?
  • Nó là một công cụ đa năng được sử dụng với nhiều mục đích, hay được phát triển chỉ để thực hiện một công việc cụ thể?
  • Những đặc điểm của công cụ phù hợp với tính chất công việc như thế nào? Liệu đây có phải là công cụ tốt nhất, hay thậm chí là công cụ GenAI tốt nhất, phù hợp với công việc của bạn không?
  • Bạn có cần thêm công cụ bổ sung, hay cần kết hợp công cụ với những phương pháp giảng dạy khác để đạt được mục tiêu không?
  • Công cụ AI có giúp bạn phát triển bài học một cách bền vững hay không? Nó có bất kì ảnh hưởng nào tới khí hậu môi trường hay không?  

Chính sách (Policy)

Policy - Chính sách của nhà phát hành
Policy – Chính sách của nhà phát hành

Hãy suy nghĩ về những nguy cơ tiềm tàng của công cụ GenAI và tìm hiểu những chính sách mà nhà phát triển đưa ra để giảm thiểu nguy cơ đó:

  • Nhà phát triển công cụ GenAI có chính sách bảo mật dữ liệu rõ ràng và dễ tìm không? 
  • Nhà phát triển có cung cấp thông tin rõ ràng về cách thức công cụ GenAI được huấn luyện không? Họ có giải thích cách giảm thiểu những sai lệch trong quá trình huấn luyện không?
  • Nhà phát hành đã làm gì để được sử dụng các tài liệu bản quyền?
  • Đề xuất về cách trích dẫn khi sử dụng công cụ là gì?
  • Nhà phát triển có chính sách bền vững để giảm thiểu ảnh hưởng môi trường của công cụ hay không?

Sản phẩm (Product)

Product - Công cụ mà bạn sử dụng
Product – Công cụ mà bạn sử dụng

Sau khi tìm hiểu và quyết định sử dụng một công cụ, bạn cũng nên đánh giá cẩn thận về chất lượng đầu ra (những gì nó tạo ra):

  • Đầu ra của công cụ GenAI như thế nào? Ví dụ với một công cụ tạo văn bản, nó chỉ đơn thuần tạo ra văn bản, hay nó còn cung cấp nguồn tham khảo để bạn có thể tìm hiểu thêm về chủ đề?
  • Nếu là một công cụ tạo văn bản, nó có chức năng đọc văn bản hay chuyển đổi từ giọng nói sang văn bản hay không?
  • Kết quả mà công cụ đưa ra chi tiết như thế nào?
  • Công cụ có hiện tượng ‘ảo giác AI’ không? Ví dụ như đưa thông tin sai lệch hay bịa đặt nguồn tham khảo?
  • Công cụ có tạo ra kết quả giống nhau cho cùng một câu lệnh hay các câu lệnh tương tự nhau hay không?

Con người (People)

People - Yếu tố con người khi sử dụng công cụ
People – Yếu tố con người khi sử dụng công cụ

Ngoài việc đánh giá chất lượng đầu ra, bạn cũng cần cân nhắc đến mức độ tham gia của người dùng trong quá trình sử dụng công cụ GenAI. Chỉ nên sử dụng GenAI trong lớp học khi có thêm nguyên tắc “con người trong vòng lặp” (human in the loop) – giáo viên và học sinh chủ động giải thích và tương tác với kết quả được tạo ra để đạt được mục đích học tập. Khi sử dụng một công cụ GenAI mới, hãy đánh giá mức độ tham gia của người dùng:

  • Mức độ tiếp cận và thân thiện với người dùng của công cụ này như thế nào?
  • Có cần phải học thêm kiến thức chuyên môn hay trải qua đào tạo bổ sung để sử dụng công cụ không?
  • Bạn có thể kiểm soát đầu vào đến mức nào? Đầu vào có hoàn toàn cho phép văn bản tự do hay có các lựa chọn hạn chế? Công cụ có cho phép bạn đưa ra phản hồi đối với kết quả và yêu cầu nó thử lại không?
  • Công cụ có giải thích cho kết quả đầu ra không? Ví dụ, công cụ có đưa ra giải thích khi nhận xét hoặc chấm điểm cho bài viết của học sinh, hoặc khi nó tạo ra bài đọc ở các độ khó khác nhau không?
  • Công cụ có cho phép xuất kết quả để sử dụng cho mục đích khác không?
  • Bạn sẽ làm gì để đảm bảo kết quả là đúng và không bị thiên về một hướng?

Độ nhận diện (Presence)

Presence - Độ nhận diện của công cụ
Presence – Độ nhận diện của công cụ

Cuối cùng, hãy lưu ý thông tin về nhà phát triển, làm thế nào những người dùng khác có thể tìm hiểu, và cách thức nhà phát triển thu lợi nhuận là gì. Hầu hết các công cụ GenAI được phát hành bởi những công ty tư nhân và cần hồi vốn cho nguồn đầu tư của họ. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta sử dụng và độ tiếp cận của công cụ:

  • Liệu bạn đã nghe nói về công cụ GenAI trước đây chưa?
  • Bạn có thể tìm hiểu được những gì trước khi quyết định sử dụng? Các giáo viên khác có chia sẻ về công cụ này không?
  • Bạn có thể tìm hiểu được gì về công ty phát triển công cụ này? Họ có đáng tin cậy hay không?
  • Bạn có phải thanh toán chi phí để sử dụng công cụ hay không? Liệu nó có phiên bản miễn phí và phiên bản nâng cao không?
  • Phiên bản nâng cao khác như thế nào so với phiên bản miễn phí?
  • Nếu có thể, học sinh hay đồng nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với công cụ này hay không?

Hãy lưu ý 5 tiêu chí này khi đánh giá một công cụ GenAI mới: mục đích (purpose), chính sách (policy), sản phẩm (conduct), con người (people), và độ nhận diện (presence)! Và đừng quên tham khảo các mẹo chung của chúng tôi về việc sử dụng công cụ GenAI trong giảng dạy tiếng Anh, cùng với hướng dẫn viết lệnh hiệu quả.

Cách sử dụng GenAI hiệu quả trong giảng dạy tiếng Anh

Cambridge English cũng đã phát hành một bộ tài liệu tổng hợp ý tưởng để hỗ trợ giáo viên Anh ngữ tận dụng tối đa tiềm năng của GenAI, với các chủ đề như ý tưởng để phát triển chuyên môn cùng GenAI, các cách để tiết kiệm thời gian soạn bài học và bài kiểm tra cùng GenAI, những hoạt động kết hợp GenAI có thể sử dụng ở trong lớp, v.v. Bộ tài liệu này hiện có thể truy cập miễn phí trên Research and Insights Hub.

Để tìm hiểu thêm về những đề xuất và hướng dẫn về GenAI, hãy chú ý theo dõi chuyên mục Công nghệ Kĩ thuật số của chúng tôi. 

Nguồn tham khảo: https://www.cambridge.org/elt/blog/2024/07/03/checklist-for-approaching-genai-tools-for-elt-teachers-the-5-ps/ 


Chia sẻ bài viết:

    Nhận tư vấn và kiểm tra miễn phí