[MỚI NHẤT] NHỮNG DẶN DÒ QUÝ BÁU TỪ THẦY CÔ STEMHOUSE TRƯỚC KÌ THI LỚP 6 TRẦN ĐẠI NGHĨA

01/Jul/2024
Tin tức

Dặn dò trước khi thi Trần Đại Nghĩa

Chỉ còn 3 ngày nữa, hơn 4300 em học sinh sẽ bước vào kì thi khảo sát vào lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa (04/07/2024). Đặc biệt, bài thi phần “Tự luận” về 3 chủ đề môn học “Toán học và tư duy logic, Tiếng Anh, Đọc hiểu và làm văn” luôn là nỗi lo lắng của học sinh và phụ huynh. Với bề dày kinh nghiệm giảng dạy Chương trình Chuyên (Gifted Program – GP) tại Stemhouse, thầy cô đã đúc kết những bài học thực chiến và kinh nghiệm quý báu để gửi đến tất cả sĩ tử sắp bước vào cuộc thi.

“Các con nhớ mang theo đầy đủ dụng cụ học tập như bút mực/bút bi, bút chì, gôm, thước kẻ, compa, máy tính nhé!

Khi làm bài trắc nghiệm, đừng lo sợ khi gặp từ lạ, đôi lúc các từ đó không ảnh hưởng đến nội dung chính của bài Toán. Vì vậy, việc gạch chân các từ khóa là rất quan trọng. Các từ khóa ở đây có thể là:

  • Các số và đơn vị đi cùng
  • Các động từ chính trong câu
  • Các đối tượng quan trọng (tên của các đối tượng, các thời điểm, cột mốc quan trọng…)
  • Câu hỏi (để không tính toán lung tung)

Tuy việc gạch chân từ khóa rất hữu ích, nhưng các con đừng áp dụng vào bài tự luận nghen. Việc vẽ, ghi chú vào đề thi tự luận ngoài yêu cầu đề bài hay dùng bút chì trong bài tự luận sẽ làm các con bị trừ điểm đó nha!

Việc tóm tắt bài Toán cũng quan trọng không kém. Khi có các thông tin cần thiết, các con nhớ ghi vào nháp, vẽ sơ đồ nếu cần và tính toán cẩn thận, gọn gàng. Điều đó giúp các con dễ kiểm tra lại bài hơn.

Việc hoàn thành một bài toán rất cần sự bình tĩnh, kiên nhẫn và cẩn thận, nên dù là các bài toán đơn giản, các con cũng đừng chủ quan nhé!”

Dặn dò trước khi thi Trần Đại Nghĩa, môn Toán
Dặn dò trước khi thi Trần Đại Nghĩa, môn Toán

Dạng câu hỏi: chỉ ra chi tiết, hình ảnh, yếu tố…thể hiện cho một nội dung nào đó theo yêu cầu câu hỏi (như miêu tả cảnh bầu trời, nói về công lao của cha, miêu tả tâm trạng nhân vật…)

  • Ghi ra hết những chi tiết, hình ảnh, yếu tố… mà mình thấy trong văn bản theo đúng yêu cầu đề bài.
  • Câu hỏi có yêu cầu số lượng (2 chi tiết, 2 hình ảnh…) thì cần đảm bảo đủ, không cần ghi thừa, chọn chi tiết, hình ảnh, yếu tố… đúng nhất để ghi.

Dạng câu hỏi: Nêu nội dung văn bản 

  • Đọc và tìm ra các từ ngữ quan trọng, thử trả lời nhanh các câu hỏi: Văn bản kể, tả hay bộc lộc tình cảm? Kể sự việc gì? Tả cảnh gì? Bộc lộ tình cảm gì?
  • Viết câu trả lời ngắn gọn, thường là 1 câu, ví dụ: Văn bản miêu tả cảnh đẹp đêm trăng ở thôn quê, qua đó bộc lộ tình cảm yêu mến, tự hào của tác giả dành cho quê hương mình.

Dạng câu hỏi: Tìm và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật/biện pháp tu từ

  • Gọi tên biện pháp đó (so sánh, liệt kê, điệp ngữ, nhân hóa…).
  • Chỉ ra từ ngữ thể hiện biện pháp đó trong văn bản.
  • Nêu tác dụng (làm cho hình ảnh ABC trở nên…, làm cho người đọc dễ hình dung hơn về…, đồng thời tăng sức gợi hình gợi cảm cho câu văn/thơ/cách diễn đạt).

Dạng câu hỏi: Giải nghĩa từ, xác định từ dùng theo nghĩa gốc, nghĩa chuyển

  • Căn cứ vào bài thơ/câu văn… để giải thích nghĩa của từ.
  • Có hai cơ chế chuyển nghĩa chủ yếu để tạo nên nghĩa chuyển là ẩn dụ và hoán dụ. HS căn cứ vào đó để xác định nghĩa gốc hay nghĩa chuyển.

Dạng câu hỏi: Chỉ ra cách liên kết giữa các câu văn

  • Nhớ lại 3 phép liên kết đã học: phép nối (bằng quan hệ từ), phép lặp từ ngữ, phép thế (bằng đại từ).
  • Đọc kĩ câu, tìm ra phép liên kết được sử dụng.
  • Khi trả lời phép liên kết cần nêu ra từ ngữ thể hiện phép liên kết đó.

Dạng câu hỏi: Câu hỏi vận dụng (theo em, nêu giải pháp, vì sao, làm thế nào, thông điệp, em hiểu thế nào về…)

  • Viết thành câu trọn vẹn. Khi trả lời cần nhắc lại từ khoá trong câu hỏi, nêu ý rõ ràng, không viết lan man.

Dạng câu hỏi: Các câu hỏi kiến thức tiếng Việt (từ đồng nghĩa, nhiều nghĩa, đồng âm, từ ghép, từ láy, phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu…)

  • HS huy động các kiến thức liên quan và vận dụng vào câu hỏi cụ thể trong đề.

Dạng câu hỏi: Viết đoạn văn theo một chủ đề (vẻ đẹp thiên nhiên, công ơn cha mẹ, ý nghĩa của việc đọc sách, lối sống sẻ chia, ý thức bảo về môi trường, điều em tự hào nhất về nơi em đang sống…)

  • Về hình thức, cần đảm bảo hình thức đoạn văn (lùi đầu dòng, viết hoa chữ đầu tiên, chấm kết thúc đoạn), đảm bảo số câu theo quy định, tránh mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…
  • Về nội dung, HS cần trình bày được các ý cơ bản:

+ Mở đoạn: dẫn dắt và giới thiệu chủ đề.

+ Thân đoạn: triển khai các ý chi tiết về chủ đề (nêu các ý nghĩa, vai trò, giải pháp…).

+ Kết đoạn: lời kêu gọi, nhắc nhở ý thức mọi người/nhắc lại tầm quan trọng của chủ đề…

Dạng câu hỏi: Viết đoạn văn kể lại một nội dung (kỉ niệm về tình bạn, kỉ niệm tình thầy trò, tình huống khó quên, cuộc trò chuyện với ai đó…)

  • Về nội dung, HS cần trình bày được các ý cơ bản:

+ Mở đoạn: giới thiệu câu chuyện.

+ Thân đoạn: kể lại các sự việc, tình tiết chính của câu chuyện; kết hợp kể, tả và biểu cảm để câu chuyện sinh động.

+ Kết đoạn: kết thúc câu chuyện, ý nghĩa rút ra từ câu chuyện/cảm xúc đọng lại sau câu chuyện…

Dạng câu hỏi: Viết đoạn văn giới thiệu một quyển sách, bộ phim… em đã đọc/nghe/xem

  • Về nội dung, HS cần trình bày được các ý cơ bản:

+ Mở đoạn: giới thiệu quyển sách/bộ phim… em đã đọc/nghe/xem.

+ Thân đoạn: tóm lược lại nội dung, nghệ thuật, giá trị của quyển sách/bộ phim…

+ Kết đoạn: ý nghĩa, giá trị của quyển sách/bộ phim; cảm xúc đọng lại sau khi đọc/nghe/xem…

Dạng câu hỏi: Viết đoạn văn cảm thụ một đoạn thơ/đoạn văn đề bài cho

  • Về nội dung, HS cần trình bày được các ý cơ bản:

+ Mở đoạn: giới thiệu tên tác phẩm, tác giả

+ Thân đoạn: cảm nhận về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ/đoạn văn (cảm nhận về cảnh vật, con người, cảm xúc bộc lộ trong đoạn trích; cảm nhận về những nghệ thuật tiêu biểu như biện pháp tu từ, hình ảnh, ngôn ngữ trong đoạn trích…)

+ Kết đoạn: thông điệp của đoạn trích, tình cảm hay bài học mà em được bồi dưỡng từ đoạn trích…”

“Đối với câu hỏi môn Tiếng Anh, khi làm trắc nghiệm con nên cố gắng làm từ trên xuống, câu nào khó thì đánh dấu lại bỏ qua, chứ không nên cố gắng lựa câu dễ vì sẽ mất nhiều thời gian hơn. Con nên cố gắng phân tích thật kỹ câu hỏi, cân nhắc các yếu tố như loại từ, thì, số ít số nhiều, nghĩa,… và tự đưa ra câu trả lời rồi mới xem và chọn đáp án.

Đối với bài nghe, việc cực kì quan trọng là đọc kĩ đề và phân tích đề trước khi nghe. Con cần phải nắm yêu cầu đề ( ví dụ như trắc nghiệm, True False, hay điền từ? nếu điền từ thì điền bao nhiêu từ?) và dự đoán trước đáp án (chỗ này cần tên, hay số, hay thời gian, địa điểm,…). Trong lúc nghe hãy cố gắng tập trung 100% từ lúc đoạn nghe bắt đầu cho tới lúc kết thúc, nếu con mất tập trung dù chỉ một chút thôi thì sẽ dễ bị lỡ mất thông tin. Nhớ chú ý các chỗ dễ nhầm lẫn (sorry, however, but….). Sau khi nghe con nhớ điền đáp án đúng chỗ và kiểm tra cẩn thận (chính tả, thứ tự đáp án, số từ ,…)

Khi làm bài đọc, đừng vội vàng đọc liền. Đầu tiên con hãy skim – đọc lướt thật nhanh để nắm ý chính (vd như đoạn văn nói về gì, có bao nhiêu đoạn,…) Sau đó con hãy đọc câu hỏi và phân tích các từ khóa, rồi mới dùng những từ khóa này để scan – quét trong bài để tìm câu trả lời. Làm cách này con sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn.

Đối với phần viết câu, con nhớ đọc thật kĩ yêu cầu đề (sắp xếp, thêm từ, hay tự viết câu, dùng thì gì,…). Sau khi viết con nhớ kiểm tra thật kĩ đầu câu đã viết hoa chưa, cuối câu có dấu câu chưa, có bị sai chính tả không, đã đúng thì chưa,…”

Dặn dò trước khi thi Trần Đại Nghĩa, môn Tiếng Anh
Dặn dò trước khi thi Trần Đại Nghĩa, môn Tiếng Anh

Trải qua thời gian dài học tập và ôn thi cùng giáo viên tại Stemhouse, thầy cô hiểu rằng các em đã nỗ lực hết sức trong suốt thời gian ôn tập. Thầy cô hiểu và luôn tin tưởng vào năng lực và mục tiêu học tập, dự thi của từng học sinh lớp GP4, GP5 (các lớp ôn thi vào lớp 6 trường trọng điểm). 

Kì thi quan trọng này chính là thời điểm để các em thể hiện kiến thức, kĩ năng đã học tập và rèn luyện trong suốt 1 – 2 năm qua tại trường và trung tâm. Đây cũng là dịp để các em chứng minh sự trưởng thành và niềm tin yêu dành cho thầy cô, những người đã luôn đồng hành cùng các em trên hành trình chinh phục ngôi trường mơ ước. 

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong những ngày đếm ngược trước kì thi là học sinh cần dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ để đảm bảo sức khỏe và tinh thần tốt nhất cho ngày thi. Thay vì lo lắng và căng thẳng, thầy cô mong rằng các em hãy giữ vững sự tự tin và tin tưởng vào bản thân mình. Hãy bình tĩnh, tập trung và thể hiện hết khả năng của mình trong kì thi.

Thầy cô tin rằng với sự chuẩn bị kĩ lưỡng của học sinh cùng sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và trung tâm, các em học sinh lớp GP5 sẽ gặt hái được những thành tích tốt trong kì thi vào lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa sắp tới. Chúc các em thành công và đạt kết quả tốt nhất!


Chia sẻ bài viết:

    Nhận tư vấn và kiểm tra miễn phí