GIÁO DỤC BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

03/Jul/2024
Xu hướng giáo dục quốc tế

NỘI DUNG

“TIRF Insights” mô tả sơ lược nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực Giảng dạy tiếng Anh (ELT) theo hình thức thực tế và dễ tiếp cận. Ấn phẩm này được dành cho phụ huynh, giáo viên, lãnh đạo nhà trường và tất cả những người ủng hộ học sinh muốn xem xét các xu hướng giáo dục gần đây theo cách phi học thuật. Bài viết về Giáo dục Biến đổi Khí hậu này có sẵn bằng tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha.

Các vấn đề chính là gì?

Giáo dục về Biến đổi Khí hậu (CCE) là gì?

Thế giới của chúng ta đang phải đối mặt với một số thử thách, mà trong đó biến đổi khí hậu, gây ra bởi việc sử dụng tài nguyên không bền vững, được cho là vấn đề toàn cầu nghiêm trọng nhất. Nhiệt độ toàn cầu hiện nay cao hơn 1,1°C so với mức tiền công nghiệp (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, 2023) và hậu quả có nguy cơ tác động đến thế giới tự nhiên, an sinh, và an toàn của con người ở khắp mọi nơi. Ủy ban Liên chính phủ gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa đối với sức khỏe con người và sức khỏe hành tinh” (IPCC, 2023) và giới khoa học cũng đang kêu gọi chúng ta đi theo con đường phát triển bền vững hơn (IPCC, 2023) để chúng ta tiếp tục tồn tại và phát triển trên thế giới này.

Nhưng biến đổi khí hậu có liên quan gì đến việc giảng dạy tiếng Anh? Nếu bạn là một nhà giáo dục hoặc phụ huynh của học sinh, việc quan tâm đến khả năng phát triển năng lực tiếng Anh của người học là hoàn toàn chính đáng.

Hiển nhiên, ưu tiên trong lớp học phải là hỗ trợ và phát triển kĩ năng tiếng Anh của các em. Thoạt nhìn, Giảng dạy tiếng Anh (ELT) có vẻ ít liên quan đến các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, có những lí do thuyết phục để các chuyên gia Giảng dạy tiếng Anh (ELT) lồng ghép tính bền vững vào hoạt động giảng dạy của họ, chẳng hạn như giúp sinh viên: 1) tham gia cuộc đối thoại toàn cầu về biến đổi khí hậu diễn ra bằng tiếng Anh, 2) phát triển kĩ năng tiếng Anh cho môn khoa học và các môn học liên quan khác, 3) thúc đẩy kĩ năng tư duy phản biện thông qua phương pháp học qua dự án (project-based-learning) về các chủ đề môi trường.

Giáo dục biến đổi khí hậu (CCE) là cách ngành giáo dục phản ứng đối với mối lo ngại ngày càng tăng về vấn đề nóng lên toàn cầu. Tính bền vững đang dần trở thành trọng tâm của giáo dục trong chương trình giảng dạy môn khoa học khi áp dụng phương pháp giáo dục hành động dựa trên học sinh (student-based action), và là một phần của chương trình giảng dạy quốc gia.

Với mục tiêu chung của giáo dục là dạy về thế giới và chuẩn bị hành trang cho mọi người trong tương lai, Giáo dục Biến đổi Khí hậu (CCE) diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm:

•    kiến thức khoa học, ví dụ: khoa học khí hậu, để người học hiểu rõ hơn về các vấn đề;

•   hiểu biết về môi trường, để học sinh có thể phân tích và phê bình các giải pháp và ý tưởng xung quanh chủ đề về sự nóng lên toàn cầu;

•   tư duy hệ thống, trong đó học sinh nghiên cứu mối liên hệ qua lại giữa các lĩnh vực xã hội, chính trị, kinh tế và môi trường; 

• thúc đẩy các ý tưởng xung quanh tính bền vững và sự trân trọng đối với thế giới sống, để học sinh cảm thấy được kết nối với thế giới;

•    hiểu biết về vai trò của cá nhân, xã hội và các tổ chức trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu, giúp người học nắm bắt được các sự kiện và tin tức thời sự;

•    tạo động lực cho dịch vụ và hành động vì môi trường, cung cấp cho học sinh cơ hội tham gia thực hành giải quyết vấn đề.

(Giáo viên giải thích về năng lượng tái tạo cho học sinh)

Tiêu điểm về giáo dục biến đổi khí hậu

Maritza Morales Casanova là một giáo viên với công việc mà cô cho là “đào tạo những nhà thám hiểm tiếp theo của Grandmother Earth trở thành giáo viên, hay hướng dẫn viên môi trường” (National Geographic, 2018). Tại Công viên Ceiba Pentandra, Merida, miền nam Mexico, học sinh được học về khoa học và phương pháp luận để trở thành nhà môi trường học. Thông qua việc vui chơi và hợp tác, học sinh trong các lớp học của Maritza phát triển sự hiểu biết về vai trò quan trọng của nước sạch và sự dồi dào, đa dạng sinh học, và việc trồng trọt hiệu quả trong công cuộc đảm bảo sức khỏe tương lai của người dân trong cộng đồng của mình.

Morales đặt mục tiêu đưa chương trình giảng dạy của tổ chức mình lên tầm quốc tế. Ở Paraguay và vùng phía bắc Mexico cũng có các tổ chức khác noi gương của cô, và Morales cũng mong rằng sẽ sớm có các công viên như vậy trên toàn thế giới (Cairns, 2021). Hiện tại, cô vẫn tiếp tục truyền tải thông điệp rằng tình yêu dành cho hành tinh của chúng ta là một quy tắc đạo đức đáng giá để chúng ta tuân theo, và cùng với các học sinh, chúng ta có thể phấn đấu đóng góp vào giải pháp đối mặt với vấn đề toàn cầu. Theo đó, Tiếng Anh chính là công cụ giúp học sinh có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện về biến đổi khí hậu toàn cầu và chia sẻ các cam kết bền vững cá nhân của mình. 

Tại sao Giáo dục biến đổi khí hậu lại quan trọng?

Trước khi đi sâu vào những tác động của Giáo dục Biến đổi Khí hậu (CCE) lên chương trình giảng dạy của giáo viên tiếng Anh, quan trọng hơn hết chúng ta cần xây dựng một sự hiểu biết chung về những thách thức của biến đổi khí hậu ngày nay.

Để giảm lượng khí thải carbon xuống mức bền vững, nhiều khía cạnh của xã hội hiện đại sẽ cần phải thay đổi. Cựu Phó Tổng Thống Mỹ Al Gore cho biết: “Tương lai… sẽ cực kì khác biệt so với bất cứ điều gì chúng ta từng biết trong quá khứ… Chưa từng có giai đoạn biến đổi nào trong lịch sử tương đồng với những gì nhân loại sắp trải qua” (Gore, 2013 như được trích dẫn trong Sterling, n.d.). Muốn thích nghi với sự thay đổi đòi hỏi chúng ta cần phải học tập. Theo Stephen Sterling, Giáo sư danh dự về Tính bền vững tại Đại học Plymouth, Vương quốc Anh, cách chúng ta quản lí quá trình chuyển đổi sang một nền văn minh sinh thái hơn phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục. Sterling gọi tình trạng môi trường đang diễn ra là “thách thực học tập lớn nhất từ ​​trước đến nay của loài người” (Sterling, n.d.). Irina Bokova, cựu Tổng Giám đốc của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lưu ý rằng: “Giáo dục là trọng tâm trong nỗ lực của chúng ta nhằm thích ứng với sự thay đổi và biến đổi thế giới nơi chúng ta đang sống” (UNESCO, 2015, trang 3). Nói một cách đơn giản, theo câu nói nổi tiếng của Nelson Mandela (2003): “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà chúng ta có thể sử dụng để thay đổi thế giới” (đoạn 12).

Các tổ chức quốc tế như UNESCO và các cơ quan chính phủ như Bộ Giáo dục Ai Cập nhận thức được nhu cầu giải quyết thách thức khí hậu thông qua hợp tác quốc tế. Vì thế giới của chúng ta được kết nối toàn cầu, nhiều khuôn khổ giáo dục quốc gia và quốc tế nhấn mạnh việc những người trẻ cần trở thành công dân toàn cầu để hành động hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, ví dụ như nước uống sạch cho mọi người. Các nhà giáo dục tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững đang dẫn đầu trong việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ trở thành công dân toàn cầu trong tương lai. Một ví dụ là Maritza Morales Casanova, người tạo ra công viên chủ đề giáo dục ngoài trời ở Mexico giúp trẻ em trở thành giáo viên và hướng dẫn viên môi trường, như đã được nêu ở trên (National Geographic, 2018).

Vai trò của giáo dục tiếng Anh trong CCE là gì?

Đầu tiên, tiếng Anh là ngôn ngữ chung của nhiều lĩnh vực liên quan đến hành động vì khí hậu, từ khoa học và kĩ thuật đến quan hệ quốc tế và thậm chí cả biểu tình (Granirer, 2021). Nếu học sinh muốn tham gia vào các cuộc thảo luận toàn cầu về bất kì lĩnh vực nào trong số này, các em sẽ cần có khả năng sử dụng được ngôn ngữ về biến đổi khí hậu và hành động vì khí hậu. Tính bền vững của môi trường sẽ trở thành mối quan tâm ngày càng lớn trong lĩnh vực chuyên môn, khi các công ti, tổ chức chính phủ, cơ quan học thuật và khuôn khổ pháp lí thích ứng với một thế giới đang thay đổi. Diễn đàn kinh tế thế giới ước tính rằng 24 triệu việc làm có thể được tạo ra bởi nền kinh tế xanh trong vòng 6 năm tới (Kimbrough, 2021). Để thành công trong sự nghiệp, nhiều người học sẽ cần cả kĩ năng xanh – kĩ năng cần thiết để điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu – và kỹ năng tiếng Anh để giao tiếp và đàm phán với đồng nghiệp (Joshi, 2023).

Thứ hai, nhu cầu của học sinh và giáo viên về việc đưa các chủ đề tập trung vào khí hậu vào chương trình giảng dạy tiếng Anh (ELT) ngày càng tăng. Trước Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021, Hội đồng Anh đã thực hiện một cuộc khảo sát với 2.500 học sinh thanh thiếu niên và 1.887 giáo viên từ 196 quốc gia. Hội đồng Anh nhận thấy rằng 76% học sinh muốn có thêm nhiều chủ đề về biến đổi khí hậu trong trường học và 72% các em muốn các chủ đề này được đưa vào các bài học tiếng Anh. 

(Dữ liệu từ Khảo sát quy mô lớn do Hội đồng Anh thực hiện như một phần của sáng kiến Giáo dục Biến đổi Khí hậu trong Giáo dục ngôn ngữ)

Hơn nữa, 9 trong số 10 giáo viên tiếng Anh tin rằng họ có một vai trò quan trọng trong Giáo dục Biến đổi Khí hậu (CCE) (Hội đồng Anh, 2022). Một báo cáo do Shift Insight thực hiện cũng công bố những con số tương tự: 85% giáo viên ở Anh Quốc cảm thấy sự cấp thiết của giáo dục phát triển bền vững (Barkway & Mai, 2022). Khi các tiêu chuẩn chương trình giảng dạy tiếng Anh (ELT) ngày càng tích hợp nội dung từ các môn học khác như STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), các nhà lãnh đạo giáo dục có một cơ hội hoàn hảo để tạo ra chương trình giảng dạy đáp ứng sự quan tâm của học sinh và giáo viên về CCE. Ngoài ra, sự phổ biến của các phương pháp ELT như Học tập dự án (Project-Based) và Học tập dựa trên nhiệm vụ (Task-Based Learning) cũng tạo cơ hội cho các hoạt động tư duy phản biện và giải quyết vấn đề liên quan đến các chủ đề môi trường.

Thứ ba, giáo dục phát triển bền vững cung cấp sự phong phú về chủ đề cho các phương pháp giảng dạy giao tiếp được sử dụng trong hầu hết các môi trường ELT. Chương trình giảng dạy tiếng Anh thường xuyên kết hợp việc phát triển các chiến lược giao tiếp, kĩ năng liên văn hóa và phát triển kĩ năng xã hội, tất cả đều là những kĩ năng cần thiết cho sự hợp tác quốc tế cần thiết nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu. Học sinh sẽ triển khai “4C” một cách tự nhiên bao gồm kĩ năng giao tiếp (communication), cộng tác (collaboration), tư duy phê phán (critical thinking skills) và sáng tạo (creativity) khi phát triển kĩ năng hiểu biết về môi trường của mình.

Chúng ta biết những gì?

Trạng thái hiện tại của CCE trong ELT là gì?

Nhiều chính phủ đã tích hợp CCE vào chương trình giảng dạy hoặc chính sách giáo dục quốc gia của họ (UNESCO, 2022). Ở Ý, các trường dành một giờ một tuần để thảo luận về các vấn đề biến đổi khí hậu (Earth Day, 2019). Phần Lan đã phát triển một chương trình nghiên cứu khí hậu với ýtưởng rằng biến đổi khí hậu nên là một phần của mọi môn học (Cord, 2019). Với xu hướng giáo dục song ngữ và giảng dạy các môn bằng tiếng Anh, đặc biệt là các môn STEM (Gibbins, 2023), những ví dụ này cho thấy sự gia tăng trong giảng dạy tiếng Anh và mức độ bao phủ của CCE ở cấp quốc gia.

Càng ngày chúng ta càng thấy tính bền vững được đề cập trong nhiều khóa học ELT, đặc biệt là ở các khối tiểu học và trung học. Hiện có rất nhiều tài nguyên sẵn có cho các nhà giáo dục, một số tài nguyên đã được trình bày tóm tắt trong bài viết này.

Đối với giáo viên đang giảng dạy hoặc phụ huynh quan tâm, việc tìm kiếm tài liệu thường sẽ khó khăn, thậm chí chương trình phát triển chuyên môn cho giáo viên trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, hướng dẫn CEE đã được trình bày theo những cách thức quen thuộc với các nhà giáo dục. Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc đặt ra 17 mục tiêu, từ xóa đói giảm nghèo đến cung cấp nước sạch cho tất cả mọi người, cần đạt được vào năm 2030. Các mục tiêu SDGs cung cấp một khuôn khổ về các lĩnh vực chủ đề mà giáo viên có thể dạy (ví dụ: năng lượng sạch với giá cả hợp lý), nguồn tài liệu phong phú để hỗ trợ lập kế hoạch chương trình giảng dạy và các hoạt động CCE phù hợp với từng nhóm tuổi khác nhau.

Nhiều giáo viên giảng dạy tiếng Anh (ELT) sử dụng phương pháp Giáo dục cảm xúc xã hội (SEL) để xây dựng các chủ đề bài học xoay quanh việc bảo vệ môi trường (Stannett, 2022). Phương pháp tiếp cận SEL trong lớp học giúp học sinh nhận thức được hành động của bản thân sẽ dẫn tới những hậu quả. Bên cạnh đó, các bài học tiếng Anh về sử dụng tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và hợp lí tích hợp các giá trị của SEL sẽ giúp tăng cường nhận thức về môi trường của học sinh.

Nhưng còn hướng dẫn cụ thể về CCE trong việc học ngôn ngữ thì sao? Nhiều khuôn khổ khác nhau đã được phát triển để xác định các thành phần của kiến thức môi trường và giúp các giáo viên xây dựng chương trình giáo dục, thiết lập các mục tiêu học tập, đồng thời cho phép tạo ra các tiêu chuẩn và đánh giá thành tích giáo dục. Một ví dụ là GreenComp, một khung tham chiếu được tạo bởi Liên minh châu Âu để phác thảo hướng dẫn cho các nhà giáo dục trong việc dạy nhận thức bền vững. GreenComp phân loại các năng lực thành 4 nhóm: biểu hiện các giá trị bền vững, tiếp nhận tính phức tạp trong tính bền vững, hình dung về tương lai bền vững, và hành động vì tính bền vững. Greencomp sử dụng các mô tả để xác định các năng lực này, ví dụ, học sinh được đánh giá trong lĩnh vực tiếp nhận tính phức tạp trong các hệ thống dựa trên kiến ​​thức, kỹ năng và thái độ của chúng. Học sinh được đánh giá dựa trên các mô tả như: “biết rằng mọi hành động của con người đều có tác động môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế,” và “có thể mô tả tính bền vững như một khái niệm toàn diện bao gồm các vấn đề môi trường, kinh tế, xã hội và văn hóa” (Bianchi và những người khác, 2022, trang 20).

Cho đến nay, chưa có một khuôn khổ tổng thể nào cho việc thiết kế các khóa học kết hợp cả năng lực môi trường và kết quả ngôn ngữ. Tuy nhiên, những nỗ lực vẫn đang được tiến hành. Trong bài báo “ELTCanDoEco”, Katherine Bilsborough và Ceri Jones đã mời các giáo viên viết các câu “Có thể làm” để mô tả các năng lực hiểu biết sinh thái cơ bản, chẳng hạn như “giải thích lý do tại sao các thực tiễn xã hội có dấu chân carbon đáng kể” và “phác thảo các giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề địa phương về tính không bền vững” (Bilsborough & Jones, 2021). Lưu ý đến những ý nghĩa giao tiếp của giải thíchphác thảo trong các câu này. Trong ELT, chỉ “biết” về tính bền vững là chưa đủ; mà còn cần có khả năng giao tiếp về nó. Việc xác định các mục tiêu học tập rõ ràng liên quan đến việc học ngôn ngữ chỉ là bước khởi đầu, nhưng vẫn còn nhiều việc có thể làm để kết hợp các nghiên cứu về ELT và môi trường với nhau.

Không có khóa học về giáo dục khí hậu nào được công nhận rộng rãi dành cho giáo viên ngôn ngữ giống như với cách dạy tiếng Anh thương mại hoặc dạy học sinh nhỏ tuổi. Nếu bạn muốn chuyên về giáo dục ngôn ngữ bền vững, bạn cần phải tự mình thực hiện. Cũng không có danh sách các từ về tính bền vững được xuất bản chứa ngôn ngữ hữu ích để mô tả các vấn đề môi trường. Chính vì vây, bất kỳ sáng kiến ​​nào nhằm lấp đầy những khoảng trống này đều sẽ được các giáo viên ELT rất hoan nghênh.

giáo dục về biến đổi khí hậu

(Học sinh tìm hiểu về tầm quan trọng của cuộc sống bền vững và tự trồng trọt thực phẩm ở Thái Lan)

giáo dục về biến đổi khí hậu

(Giáo viên tiểu học khuyến khích học sinh nói về các vấn đề bền vững)

Những thách thức chính được đưa ra bởi CCE trong ELT là gì? Và làm thế nào chúng ta có thể vượt qua những thách thức này?

Thiếu chuyên môn. Nhiều giáo viên cho rằng họ chưa đủ năng lực để giảng dạy về chủ đề biến đổi khí hậu. Theo khảo sát của Shift, 55% giáo viên cảm thấy họ chưa được đào tạo đầy đủ (Barkway & Mai, 2022), và con số này thậm chí đã tăng lên đến 67% ghi trong báo cáo của Hội đồng Anh. Tuy vậy, những kĩ năng vốn có của một giáo viên ngôn ngữ đã cung cấp đầy đủ các điều kiện cần thiết để đem đến cho học sinh nhiều cơ hội thuyết trình, thiết lập các dự án truy vấn và tạo điều kiện giao tiếp. Do đó, lớp học ngôn ngữ là một không gian lí tưởng để học sinh có thể thể hiện quan điểm cá nhân và trình bày những gì mình đã tìm hiểu được. CCE còn cung cấp nguồn tài nguyên phong phú cho các hoạt động giao tiếp thực tiễn, chẳng hạn như tìm ra chi phí môi trường của một sản phẩm, hay trình bày các cách để biến lớp học thành lớp học xanh. Cần lưu ý rằng trong các dự án và hoạt động mang tính chất này, giáo viên không nhất thiết phải trở thành một chuyên gia về các vấn đề môi trường để giúp học sinh nâng cao kiến thức.

Lo lắng về khí hậu. Lo lắng về khí hậu (climate anxiety) hay lo lắng sinh thái (eco-anxiety) là tình trạng lo sợ hoặc lo lắng về biến đổi khí hậu, thường được coi là điều tiêu cực cần tránh, đặc biệt là trong các lớp học dành cho trẻ em. Tuy nhiên, việc im lặng hay phủ nhận trạng thái này sẽ không hề làm giảm bớt đi sự lo lắng, mà còn khiến nó tăng lên. Dù vậy, lo lắng là một phản ứng lành mạnh đối với tình hình khí hậu. Sự thiếu lo lắng, ngược lại, sẽ cho thấy sự thiếu hiểu biết về hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong khi nhiều học sinh có thể cảm thấy bi quan hoặc lo lắng về tương lai của hành tinh chúng ta, giáo viên có thể cung cấp một góc nhìn với phương pháp tiếp cận hướng về hi vọng như tìm kiếm các giải pháp và các hành động tích cực trong kết quả học tập của học sinh. Eric Liu, người sáng lập của tổ chức Citizen University, đã đưa ra một phân biệt hữu ích: “Lạc quan là cho rằng mọi thứ sẽ suôn sẻ. Hi vọng là nhận ra mọi việc sẽ suôn sẻ nếu ta nỗ lực thực hiện chúng. Hi vọng đòi hỏi trách nhiệm và hành động; lạc quan giải phóng ta khỏi cả 2 điều đó” (Liu, 2018).

Chúng ta có thể lo lắng về tương lai, nhưng đồng thời vẫn hi vọng. Lời trích dẫn của Liu nhắc nhở chúng ta rằng hi vọng được nuôi dưỡng thông qua việc trao quyền cho người học trở thành những người tạo ra thay đổi, và hành động ý nghĩa trong và ngoài lớp học chính là phương tiện để tạo ra sự khác biệt.

Thiếu sự tích hợp và thích hợp. Các vấn đề về khí hậu thường được đề cập trong các khóa học như một chủ đề riêng biệt nằm trong các bài học về “Môi trường”, với nào là những hình ảnh rập khuôn về sự ô nhiễm từ ống khói nhà máy, những bài viết không chỉ ra được sự liên hệ giữa những câu chuyện xa vời với đời sống của học sinh. Tuy nhiên, tin tốt là các nhà giáo dục và nhà xuất bản đang phát triển các phương pháp giáo dục mới cho thấy biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến nhiều chủ đề nằm trong chương trình giảng dạy tiêu chuẩn – du lịch, công việc, thời trang, thể thao, v.v. – bằng cách lồng ghép các vấn đề bền vững xuyên suốt khóa học. Ngoài ra, bằng cách cá nhân hóa các chủ đề (hỏi người học về cuộc sống, bạn bè, thành phố, v.v.), người học được khuyến khích liên hệ những vấn đề này với bản thân.

giáo dục về biến đổi khí hậu

(Đạp xe đến trường có thể giúp nâng cao nhận thức của học sinh về các vấn đề môi trường cũng như giảm đi lượng khí thải)

Ý nghĩa của việc này là gì?

Sự nóng lên toàn cầu là vấn đề đang diễn ra hiện hữu. Chúng ta có thể thấy tác động của nó đối với cảnh quan, công việc, trường học và ngay cả trong chính ngôi nhà của mình. Biến đổi khí hậu và cuộc tranh luận xung quanh nó cũng tựa như dòng chảy ngầm liên tục, thâm nhập vào mọi nền tảng truyền thông mà chúng ta sử dụng. Giáo viên tiếng Anh có thể đóng một vai trò then chốt trong việc giúp học sinh phát triển các kĩ năng ngôn ngữ để tham gia vào các cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu. Việc chuẩn bị cho người học để trở thành một phần của cuộc đối thoại đang tiếp diễn cũng như hành động với nhận thức đúng đắn chính là nền tảng của giáo dục. Mang các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu vào lớp học tiếng Anh sẽ giúp học sinh phát triển tiếng nói của mình để tham gia các cuộc thảo luận về tính bền vững bên ngoài lớp học.  

Các nguyên tắc để thiết kế bài học cho CCE trong ELT là gì?

Dựa trên những quan sát trước đó, chúng tôi đã rút ra một bộ nguyên tắc thiết kế bài học CCE trong lớp ELT, tập hợp các đặc điểm sau đây:

giáo dục về biến đổi khí hậu

(Phương pháp thiết kế bài học: giáo dục về biến đổi khí hậu trong ELT)

Làm thế nào chúng ta có thể kết hợp CCE trong các bài học?

Dưới đây là bốn chiến lược để giải quyết hiệu quả các vấn đề bền vững trong các bài học của lớp ELT:

1. Khung thời gian thảo luận. Ý tưởng được mô tả là sử dụng các chủ đề làm tiền đề để khám phá CCE thông qua các cuộc thảo luận trên lớp. Hãy tưởng tượng một buổi học về chủ đề quần áo và thời trang, với bài học cụ thể là về quần jean và cách chúng được tạo ra. Các bài đọc dành cho học sinh cũng không đề cập đến tác động môi trường của quá trình sản xuất denim. Giáo viên dành vài phút để chuẩn bị một số câu hỏi cho học sinh sau khi đọc, sau đó phân học sinh vào các nhóm để thảo luận.

• Nhóm của bạn sở hữu tổng cộng bao nhiêu chiếc quần jean?

• Phải mất 45.000 lít nước để làm một chiếc quần jean. Cần bao nhiêu bể bơi Olympic để làm ra tất cả số quần jean mà bạn có?

•    Bạn nghĩ nước này được sử dụng ở giai đoạn nào trong sản xuất quần jean? Làm thế nào bạn biết

•    Chúng ta có thể làm gì để thiểu tác động của quần áo lên môi trường?

2. Sử dụng hình ảnh. Hình ảnh, đồ họa thông tin và các hình ảnh trực quan khác có thể trực tiếp nâng cao nhận thức về các vấn đề bền vững trong các chủ đề quen thuộc. Ví dụ: bức ảnh này có thể kích thích tư duy phản biện khi kết hợp với một bài viết về xu hướng thời trang đương đại.

biến đổi khí hậu
(Chất thải thời trang xếp chồng chất và sẵn sàng để xử lí tại Jakarta, Indonesia)

Giống như trước, giáo viên vẫn sẽ chuẩn bị các câu hỏi để gợi mở học sinh suy nghĩ về tác động tổng thể khi nhìn vào hình ảnh này, chẳng hạn như:

• Hình ảnh này liên quan đến bài học hôm nay về thời trang đương đại như thế nào?

• Bạn có suy nghĩ gì khi nhìn thấy bức ảnh này?

• Có những giải pháp sáng tạo nào mà bạn và các bạn cùng lớp có thể nghĩ tới để tái sử dụng chất thải thời trang này không? Hãy liệt kê năm ý tưởng.

Lưu ý rằng những câu hỏi đầu tiên sẽ cá nhân hóa chủ đề; khi đó học sinh sẽ tích cực giải quyết một vấn đề và tự mình tìm ra câu trả lời. Cuối cùng, học sinh được yêu cầu xem xét các hành động tiềm năng mà các em có thể thực hiện. Các cuộc thảo luận có ý nghĩa nhằm thúc đẩy giao tiếp và hợp tác giữa những người học, đồng thời rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện của họ.

3. Phương pháp học khám phá (inquiry-based task). Trong chiến lược thứ ba này, giáo viên đem đến cho học sinh một thử thách nghiên cứu về chủ đề thời trang, yêu cầu khuyến khích các em sử dụng các kĩ năng giao tiếp, hợp tác, sáng tạo và tư duy phản biện.

Tìm ra chi phí môi trường để làm một chiếc quần jean. Dựa vào những kiến thức vừa học, trình bày một kế hoạch hành động để giảm chi phí đó.

Với hoạt động này, học sinh có thể thực hiện theo cặp hoặc theo nhóm. Thậm chí mỗi em cũng có thể được giao các nhiệm vụ khác nhau, ví dụ, tìm hiểu chi phí môi trường đối với mỗi mặt hàng quần áo khác nhau.

biến đổi khí hậu
(Hoạt động tập trung vào việc bảo vệ đại dương từ chương trình ELT Our World (National Geographic Learning))

4. Hành động. Cuối cùng, các dự án cung cấp cho học sinh không gian để nghiên cứu, bày tỏ quan điểm ​​và đề xuất các kế hoạch dựa trên giải pháp. Học sinh có thể bắt đầu trao đổi quần áo ở trường để giảm rác thải, tổ chức một sự kiện nâng cao nhận thức hoặc tái chế quần áo cũ. Vai trò đầu tiên của giáo viên là giải thích quy trình: phác thảo phạm vi của dự án; suy nghĩ và thống nhất về các hành động khả thi; thực hiện dự án; và đánh giá kết quả. Sau đó, giáo viên cần phải tạo điều kiện cho từng giai đoạn để học sinh có thể tìm ra lĩnh vực chuyên môn và phát triển quan điểm. Nhiều giáo trình tiếng Anh (ELT) bao gồm các dự án được xây dựng cẩn thận theo từng bước, chẳng hạn như ví dụ dưới đây, được thiết kế để phát triển kỹ năng hiểu biết môi trường của học sinh.

Dự án khuyến khích sự hợp tác, giao tiếp và sáng tạo, mang tính hành động và hướng đến những kết quả thực tiễn tích cực. Quan trọng hơn hết, các dự án giúp học sinh chủ động sử dụng tiếng Anh theo những cách mà các em có thể sẽ không có cơ hội được trải nghiệm ở những lớp học thông thường. 

biến đổi khí hậu
(Các bạn học sinh Tiểu học cộng tác để tìm hiểu về vấn đề môi trường tại Cộng hòa Séc)

Trường học và các cơ sở giáo dục nên cân nhắc điều gì?

Khi nhìn nhận giáo dục một cách toàn diện hơn, các cơ sở giáo dục có thể thực hiện một số hành động. Ví dụ: một số trường đã áp dụng các điều lệ xanh, hay một số tuyên bố chính thức xác định các mục tiêu, chiến lược nhằm giảm thiểu tác động lên môi trường. Đây có thể là những tuyên bố độc lập, không phụ thuộc vào bất kì cơ quan tiêu chuẩn nào, hoặc được tạo ra thông qua việc hợp tác với các tổ chức chính thức nhằm công nhận nỗ lực của họ. Green Standard Schools là một hiệp hội phi lợi nhuận gồm các trường ngoại ngữ cam kết bảo vệ môi trường. Hiệp hội này đã phát triển các chính sách và thực tiễn mà các cơ sở giáo dục có thể áp dụng và tuân theo, đồng thời trao chứng nhận cho các cơ sở đạt yêu cầu.

Các vấn đề về khí hậu và môi trường bắt đầu xuất hiện trong bài kiểm tra của các kì thi tiếng Anh. Nhiều từ khóa như khí hậu và nóng lên toàn cầu cũng xuất hiện trong danh sách từ vựng ở ngay cả trong các kì thi với trình độ tương đối cơ bản. Như vậy, việc đưa từ vựng và khái niệm về biến đổi khí hậu vào các kì thi tiếng Anh sẽ được phản ánh trong các khóa học tiếng Anh nói chung và trong các khóa học luyện thi nói riêng, vì các ứng cử viên phải nghiên cứu ngôn ngữ liên quan đến biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc chuyển sang tổ chức hình thức thi trực tuyến cho các kì thi quan trọng sẽ giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon đến từ việc in ấn đề thi trên giấy, từ các trung tâm thi cử và từ việc đi lại liên quan đến việc thi và tổ chức thi.

Các dự án với quy mô toàn trường và các hoạt động phục vụ cộng đồng có thể đem đến cho học sinh những trải nghiệm học tập thực tế phong phú. Những hoạt động này có thể bao gồm dọn rác thải nhựa, tham gia hoạt động bảo tồn và các sự kiện nâng cao nhận thức­. Những sự kiện như vậy không chỉ mang lại cơ hội thực hành tiếng Anh thực tế trong thế giới thực thông qua việc thuyết trình, thiết kế trang web, tiến hành khảo sát, v.v., mà còn có khả năng gắn kết các học sinh, chung tay tham gia và cùng nhau đạt được mục tiêu.

biến đổi khí hậu
(Các dự án dọn dẹp trường học thể hiện tầm quan trọng của việc hợp tác để đạt được những thay đổi về môi trường)

Trong tương lai, điều gì sẽ xảy ra?

Khoa học đã chứng minh rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu thật sự đang diễn ra. Khi nhận thức về biến đổi khí hậu tăng lên trên toàn cầu, chúng ta có thể mong đợi rằng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn vào các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả giáo dục tiếng Anh. Dưới đây là một số dự đoán về những gì lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh (ELT) sẽ làm trong những năm tới:

  • tăng thêm nội dung liên quan đến khí hậu trong các khóa học, bài học và kiểm tra;
  • công nhận chính thức về nhu cầu phát triển chuyên môn giảng dạy tiếng Anh về biến đổi khí hậu, thông qua đào tạo ban đầu và đào tạo tại chức;
  • phát triển một nhánh của ESP (tiếng Anh chuyên ngành) xoay quanh biến đổi khí hậu và tính bền vững môi trường, với các khóa học được thiết kế riêng cho mục đích này;
  • phát triển các khuôn khổ toàn diện cho giáo dục bền vững dựa trên các khuôn khổ hiểu biết sinh thái­ hiện có tích hợp các năng lực ngôn ngữ;
  • giáo viên thực hiện nghiên cứu hành động (action research) trong chính lớp học của mình, chẳng hạn như thử các bài học mới, đánh giá phản ứng cảm xúc của người học đối với các chủ đề khí hậu, và đánh giá kết quả của các dự án về môi trường.

Chúng ta có thể hành động như thế nào?

Để giúp bạn và các đồng nghiệp khám phá và thảo luận thêm về các vấn đề được nêu trong bài viết này, sau đây là một số câu hỏi nhằm định hướng cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề giáo dục biến đổi khí hậu (CCE):

1.   Biến đổi khí hậu hiện đang đóng vai trò gì trong cuộc sống của học sinh? Làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ học sinh tìm hiểu thêm trong một môi trường học tập lành mạnh?

2.   Các vấn đề môi trường có tác động và ảnh hưởng lớn nhất đến địa phương và quốc gia của người học là gì? Làm thế nào để nâng cao nhận thức về cả các vấn đề này và vai trò của học sinh trong công cuộc giải quyết chúng?

3.   Những yếu tố văn hóa nào sẽ phát sinh khi thảo luận về biến đổi khí hậu trong lớp học? Chúng ta có thể làm gì khác để hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết những vấn đề nhạy cảm về văn hóa này không?

4.   Chúng ta có những mối lo âu nào khi áp dụng CCE? (chưa qua đào tạo, sự không chắc chắn về các nội dung liên quan đến chính trị, nỗi lo lắng về khí hậu (climate anxiety) của chính chúng ta) Những hỗ trợ nào có thể hữu ích để giúp ta vượt qua những trở ngại này?

5.   Các dự án giáo dục khí hậu mà học sinh và trường học của chúng ta muốn tham gia là gì? Những hành động nào có thể mang lại lợi ích cho học sinh, phụ huynh, nhà trường và cộng đồng địa phương?

Các tài liệu đọc thêm

Để có thêm nhiều bài học và tài liệu khác nhau về chủ đề các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, hãy truy cập The World’s Largest Lesson. https://worldslargestlesson.globalgoals.org/

Trang web của Hội đồng Anh về hành động chống biến đổi khí hậu trong giáo dục ngôn ngữ cung cấp nhiều khóa đào tạo, sự kiện, bài học và các tài liệu khác được thiết kế để giúp giáo viên khám phá và hỗ trợ các hành động tích cực về khí hậu trong trường học. Truy cập Climate Connection. https://www.britishcouncil.org/climate-connection

Để tìm một cộng đồng giáo viên tiếng Anh cùng quan tâm đến giảng dạy về tính bền vững và giúp cho nghề nghiệp trở thành một phần của giải pháp, hãy tham gia ELT Footprint (trên Facebook và LinkedIn). Ngoài ra, bạn còn có thể tìm thấy tài liệu, liên kết và các tài liệu khác trên website https://eltfootprint.org

Để tìm hiểu thêm về việc tích hợp các vấn đề về tính bền vững vào lớp học tiếng Anh, hãy đọc loạt bài đăng trên blog của National Geographic Learning: https://infocus.eltngl.com/tag/sdgs/

Ngoài ra, hãy tham khảo cuộc hội thảo này: https://webinars.eltngl.com/7-novemberstrategies-for-engaging- sustainability-lessons-in-the-english-classroom/

Để xem các hội thảo trực tuyến về các chủ đề liên quan đến khí hậu và ELT hoặc để hỗ trợ các trường học ở Vương quốc Anh muốn áp dụng các chính sách thân thiện với khí hậu, hãy truy cập Green Action ELT. https://green-action-elt.uk/

Để biết thêm về việc công nhận các trường học về cách trở nên bền vững hơn trong việc giảm phát thải, tiêu thụ và lượng khí thải carbon, hãy truy cập Green Standard Schools. https://greenstandardschools.org

Thông tin về tác giả

Daniel Barber là một giáo viên tiếng Anh, người đào tạo giáo viên và tác giả viết tài liệu. Ông đã giảng dạy ở Mexico, Anh, Tây Ban Nha và viết sách, tài liệu cho nhiều nhà xuất bản. Daniel thường xuyên nói và viết về vai trò của các nhà giáo dục tiếng Anh trong việc giải quyết hậu quả của hành vi không bền vững của con người – và để bảo vệ thế giới tự nhiên. Daniel là người đồng sáng lập của ELT Footprint, một cộng đồng trực tuyến để chia sẻ các dự án, sáng kiến ​​và tài liệu hỗ trợ giáo dục biến đổi khí hậu.

Mục lục sách tham khảo

Goulah, J., & Katunich, J. (2020) TESOL and sustainability: English language teaching in the anthropocene era. Bloomsbury Publishing.

Kamenetz, A. (2019, April 25). 8 ways to teach climate change in almost any classroom. NPR.

https://www.npr.org/2019/04/25/716359470/eight-ways-to-teach-climate-change-in-almost-any-classroom

Lotz-Sisitka, H., & Rosenberg, E. (Eds.). (2022). Education in times of climate change. NORRAG, Special Issue 07.

https://resources.norrag.org/resource/732/education-in-times-of-climate-change

Mercer, S., Correia Ibrahim, N., Bilsborough, K., Jones, C., & Potzinger, C. (2023). Teacher perspectives on addressing environmental issues in ELT. ELT Journal, 77(4), 393—406.

https://doi.org/10.1093/elt/ccac039

United Nations Development Programme. (2023, February 2). The climate dictionary: An everyday guide to climate change.

https://climatepromise.undp.org/news-and-stories/climate-dictionary-everyday-guide-climate-change

Chuỗi ấn phẩm “TIRF Insights”

TIRF hợp tác với các tổ chức có cùng mục tiêu để viết các bài báo trong chuỗi ấn phẩm “TIRF Insights”. Các Ủy viên của Quỹ hân hạnh được hợp tác cùng National Geographic Learning.

Thông qua những nỗ lực hợp tác, chuỗi ấn phẩm này tập trung vào một số lĩnh vực được quan tâm nhất trong giáo dục ngôn ngữ. Các ấn phẩm “TIRF Insights” thu hút đông đảo độc giả thông qua việc trình bày các vấn đề thực tiễn theo cách tiếp cận thân thiện với người đọc, dành cho những cá nhân trong lĩnh vực hay gần gũi với lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ.

Để tìm hiểu thêm về chuỗi ấn phẩm “TIRF Insights” và các ấn phẩm khác của TIRF, vui lòng truy cập: https://www.tirfonline.org/tirf-publications/

Bản quyền

Bài viết này được xuất bản trong chuỗi ấn phẩm “TIRF Insights” được cấp phép theo loại giấy phép Creative Commons: “Attribution-NonCommercial NoDerivs” (CC BY-NC-ND). Loại giấy phép này cho phép các bên thứ ba tải miễn phí và chia sẻ bài viết. Xin lưu ý rằng các bài viết sẽ bị hạn chế chỉnh sửa bởi các bên thứ ba và không được sử dụng cho mục đích thương mại. Các cá nhân sử dụng bài viết này phải trích nguồn từ TIRF và National Geographic Learning là đồng sở hữu bản quyền của bài viết này.

Để tham khảo bài báo này, vui lòng sử dụng trích dẫn sau:

Barber, D. (2024). TIRF insights: Climate change education. TIRF & National Geographic Learning.

Nguồn

Ảnh: Bìa © Benjamin Von Wong | www.vonwong.com; 2 – Gorodenkoff/Shutterstock.com;

3 – PRAKASH SINGH/AFP via Getty Images; 4(l) – Blan-k/Shutterstock.com; 4(c) – The Studio/ Shutterstock.com; 4(r) – The Studio/Shutterstock.com; 5 – iStock.com/jirachaya pleethong; 6 – vgajic/E+ via Getty Images; 7 – LeManna/Shutterstock.com; 8 – Jonathan Bargus; 8 (collaboration icon) – Skylines/ Shutterstock.com; 9 – Wokephoto17/Moment via Getty Images; 10(l) – Coolpicture/Moment via Getty Images; 10(river) – © Eurasia/Robert Harding; 10(map) – AridOcean/Shutterstock.com; 10(seal) – iStock.com/ Pro-syanov; 10(girl) – © Ken Karp Photography; 11 – Fuse/Corbis via Getty Images; 13 – Daniel Barber.


Chia sẻ bài viết:

    Nhận tư vấn và kiểm tra miễn phí