HỌC KHOA HỌC THEO PHƯƠNG PHÁP 5E
Môn Khoa học tại Stemhouse được giảng dạy theo mô hình 5E, dựa trên lí thuyết kiến tạo (constructivism) về học tập, theo đó người học xây dựng kiến thức từ quá trình trải nghiệm. Thông qua cách hiểu và phản ánh về các hoạt động đã trải qua, vừa mang tính cá nhân và tính xã hội, người học có thể hòa hợp kiến thức mới với những khái niệm đã biết trước đó. Có 5 bước để triển khai việc giảng dạy theo phương pháp 5E:
Engagement (Gắn kết)
Thông qua các hoạt động đa dạng, giáo viên thu hút sự chú ý và quan tâm của học sinh, tạo không khí trong lớp học, học sinh cảm thấy có sự liên hệ và kết nối với những kiến thức hoặc trải nghiệm trước đó.
Exploration (Khảo sát)
Học sinh được chủ động khám phá các khái niệm mới thông qua các trải nghiệm học tập cụ thể. Giáo viên cung cấp những kiến thức hoặc những trải nghiệm mang tính cơ bản, nền tảng trước khi học sinh được trực tiếp khám phá và thao tác trên các vật liệu hoặc học cụ đã được chuẩn bị sẵn. Với mỗi hoạt động cụ thể, học sinh sẽ thực hiện các hoạt động như quan sát, làm thí nghiệm, thiết kế, thu thập số liệu.
Explanation (Giải thích)
Học sinh được trình bày, miêu tả, phân tích các trải nghiệm hoặc quan sát thu nhận được ở các hoạt động trước đó. Ở bước này, giáo viên sẽ giới thiệu các thuật ngữ mới, khái niệm mới, công thức mới, giúp học sinh kết nối và thấy được sự liên hệ với trải nghiệm trước đó.
Elaborate (Áp dụng cụ thể)
Đây là giai đoạn áp dụng những kiến thức đã học được để tiến hành việc thực hành và vận dụng các kiến thức đã học được ở bước Giải thích, giúp học sinh hiểu rõ vấn đề, sử dụng các kỹ năng một cách thành thục, và có thể áp dụng được trong những tình huống và hoàn cảnh đa dạng khác nhau trong môi trường và cuộc sống.
Đây cũng chính là điểm biệt trong chương trình học tại Stemhouse, là chú trọng hoạt động thực hành ứng dụng (hands-on activities) chiếm gần 50% thời lượng học tập để giúp con hiểu bài và biết cách vận dụng lý thuyết vào giải quyết vấn đề thực tế và chế tạo ra các sản phẩm sử dụng hàng ngày v.v…
Evaluation (Đánh giá)
Mô hình 5E cho phép đánh giá chính thức (dưới dạng các bài kiểm tra) và phi chính thức (dưới dạng những câu hỏi nhanh). Giáo viên sẽ quan sát học sinh thông qua các hoạt động nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn để xem sự tương tác trong quá trình học. Từ đó, nhận biết quá trình nhận thức và khả năng của từng học sinh, từ đó đưa ra các phương hướng điều chỉnh và hỗ trợ học sinh phù hợp, giúp học sinh đạt được các mục tiêu học tập như đã đề ra.
Mỗi bước đại diện cho một giai đoạn thu nạp kiến thức của học sinh. Theo đó, sự tìm tòi (inquiry), nghiên cứu (research) và tư duy (thinking) được lồng ghép xuyên suốt quá trình học. Với cách học này, học sinh sẽ có cơ hội hiểu lý thuyết một cách tự nhiên; trái ngược hoàn toàn với phương pháp thuộc lòng như cách dạy truyền thống. Ngoài ra, hoạt động hands-on làm học sinh rất hào hứng và say mê trong học tập. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ con sẽ luôn làm tốt những gì mà các con thực sự yêu thích.
Hơn thế nữa, các kỹ năng của trẻ được mài dũa và ngày càng thành thạo hơn theo thời gian như kỹ năng quan sát, thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm, so sánh, phân loại, phỏng đoán, thu thập số liệu, đo lường, ra quyết định, làm việc nhóm, giao tiếp, tranh luận tích cực, tư duy đa chiều…